Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn cộng đồng báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nêu, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 68km.
Hiện nay đã đầu tư xây dựng được 54km đoạn tuyến từ Nội Bài – Quang Minh – Cầu Thăng Long – Linh Đàm – Thanh Trì – Phù Đồng – Việt Hùng. Đoạn tuyến từ Việt Hùng (từ cao tốc Hà Nội Thái Nguyên) đến đường Võ Văn Kiệt dài khoảng 14km chưa được đầu tư xây dựng. Tuyến đường Vành đai 3 là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với giao thông của Thủ đô Hà Nội cũng như huyện Đông Anh.
Tuyến đường sẽ kết nối các trục hướng tâm, phân luồng giao thông từ xa, giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh theo đúng quy hoạch phân khu đô thị N7, GN, GN(B), tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt đảm bảo đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực, tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng giao thông phục vụ lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi phát triển du lịch cho địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực huyện Đông Anh. Đồng thời giải quyết bức xúc và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương.
Bên cạnh đó dự án còn dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung để thực hiện đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở các mục tiêu ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh là hết sức cần thiết.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 14,9km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội, cụ thể: xã Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Dục Tú, Bắc Hồng, Nam Hồng thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Dự án có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; điểm cuối tại nút giao với đường Võ Văn Kiệt (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh). Trong đó, đường phố chính đô thị chủ yếu (cấp đô thị), quy mô 6 làn xe; đường phố gom chủ yếu (cấp khu vực) quy mô 3 làn xe.
Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, tiến độ thực hiện dự án trong vòng 36 tháng. Cụ thể, dự án khởi công quý 4/2025, dự kiến hoàn thành quý 3/2028. Tổng mức đầu tư 7.690 tỷ đồng.
Đông Anh là một trong hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian sắp tới. Huyện phía Bắc Hà Nội có diện tích 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn.
Mới đây, trong Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 được HĐND TP Hà Nội thông qua. Trước mắt, Hà Nội ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây. Cụ thể, thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh.
Như vậy, sau khi huyện Đông Anh lên quận sẽ tiếp tục chuẩn bị trở thành một phần của thành phố phía Bắc theo mô hình "thành phố trong Thủ đô".
Cùng với Vành đai 3, Hà Nội đã duyệt đầu tư 10 dự án hạ tầng quy mô lớn khác tại Đông Anh. 3 cây cầu nghìn tỷ vượt sông Hồng sẽ được thành phố xây thêm sẽ tăng cường kết nối cho huyện sắp trở thành quận của Hà Nội.
Nhiều "ông lớn" như Vingroup, Sungroup, Eurowindow Holding, BRG … đón đầu tiềm năng phát triển. Nhiều khu đô thị, khu nhà ở đã được triển khai như: Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa và Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, "siêu dự án" thành phố thông minh Đông Anh với tháp tài chính 108 tầng.
Thời gian vừa qua, Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - xây dựng KĐT mới G19 ở xã Kim Nỗ với tổng mức đầu tư hơn 2.180 tỷ đồng, Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.