Về đích loạt dự án hạ tầng trọng điểm
Mới đây, theo thông tin từ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, hạng mục cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 đang đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm rút ngắn tiến độ trước 4 tháng, hoàn thành vào 30/4/2025.
Cùng với đó, dự án đường Vành đai 3 – Tp.HCM đoạn qua Đồng Nai đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ rút ngắn thời gian thi công hoàn thành. Dự án có điểm đầu từ đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây vượt sông Đồng Nai kết nối vào điểm cuối là đường tỉnh 25B. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Gần đây nhất, Cầu Bạch Đằng 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ, nối Đồng Nai và Bình Dương chính thức được hợp long. Cây cầu có tổng chiều dài hơn 2,8km với mức đầu tư hơn 420 tỷ đồng, được chia sẻ vốn từ ngân sách của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, mỗi tỉnh đóng góp 50% phần cầu chính. Cây cầu được khởi công xây dựng vào tháng 12/2021 và dự kiến hoàn thành vào dịp lễ Quốc khánh 2/9/2024. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ góp phần giải quyết ách tắc giao thông trên các tuyến đường hiện hữu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường trục chính quan trọng của Đồng Nai cũng sẽ được khởi động thực hiện.
Cụ thể, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, năm 2024, đơn vị sẽ tập trung triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công; lập các thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để đảm bảo khởi công 3 dự án gồm: nâng cấp, mở rộng đường 25B (đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra quốc lộ 51); xây dựng đường 25C (đoạn từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19) và dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 774B.
Trước đó, vào đầu năm 2024, Ban Quản lý Dự án huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã thực hiện đấu thầu cho dự án mở rộng tuyến đường Tôn Đức Thắng (đường 25B cũ, đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch đến đường Quách Thị Trang) từ 7m lên 53-80m. Dự án có đoạn từ đầu tuyến đến đường Vành đai 3 -Tp.HCM dài 3km sẽ được xây dựng với lộ giới 80m, gấp 10 lần so với quy mô tuyến đường hiện tại. Tổng mức đầu tư dự án là 639 tỷ đồng, tiến độ triển khai khoảng 2 năm.
Ngoài ra, 3 dự án quan trọng, kết nối với sân bay Long Thành cũng được xúc tiến đầu tư trong năm 2024, gồm: nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 773, 769 và xây dựng mới tuyến đường tỉnh 770B. Các tuyến này sẽ được bố trí nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Như vậy, hiện nay Đồng Nai được xem "đại công trường" xây dựng của thị trường phía Nam bởi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn. Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó tạo hiệu ứng tích cực đến thị trường bất động sản khu vực.
Kì vọng mới cho thị trường địa ốc
So với Bình Dương thì Đồng Nai dù có vị trí cận kề Tp.HCM, song thị trường bất động sản có vẻ trầm lắng hơn. Đất nền, nhà phố vẫn là phân khúc chủ đạo tại tỉnh này, còn căn hộ nguồn cung rất ít ỏi.
Thế nhưng, gần đây những thông tin về hạ tầng đã và đang tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản nơi đây. Một số dự án bắt đầu rục rịch ra thị trường và nhận tín hiệu khả quan về sức cầu. Dẫu vậy, so với Tp.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai vẫn rất hạn chế về nguồn cung mới, nhất là ở phân khúc căn hộ. Đặc biệt dòng căn hộ chất lượng, được đầu tư tiện ích bài bản lại càng khan hiếm.
Hiện tại khu vực này có dự án FIATO Airport City của Thang Long Real Group là nguồn cung căn hộ cao cấp, giá vừa túi tiền hiếm hoi tại khu vực. Dự án có vị trí gần sân bay Long Thành, đã khởi công xây dựng và đang nhận được sự quan tâm tích cực từ thị trường. Dự án căn hộ này thuộc KDC Thang Long Home -Hiệp Phước đã hiện hữu tại TT Hiệp Phước, Nhơn Trạch, được xem là KDC điểm nhấn tại khu vực này.
Báo cáo quý 2/2024 của DKRA Group cho thấy, nếu nguồn cung căn hộ ở Tp.HCM và Bình Dương cải thiện rõ nét trong quý 2, tăng khoảng 12% so với quý trước đó, và tăng 8% so với cùng kì năm ngoái thì Đồng Nai vẫn lép vế ở phân khúc này.
Theo đơn vị này, Tp.HCM dẫn đầu căn hộ, chiếm 56% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Tiếp đến Bình Dương chiếm 38,8%, trong khi Đồng Nai chỉ nhỏ giọt với 1,8% nguồn cung sơ cấp trong quý 2/2024.
Về thanh khoản, theo nhận định từ DKRA Group, loại hình căn hộ tại Tp.HCM và các tỉnh phụ cận trong quý 2 ghi nhận những điểm sáng tích cực. Lượng tiêu thụ sơ cấp toàn thị trường tăng mạnh 88% so với quý trước, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung có mức giá từ 40 - 55 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM; từ 30 - 35 triệu đồng/m2 tại Đồng Nai, Bình Dương. Phần lớn ở các dự án đã hoàn thiện pháp lý, tiến độ xây dựng nhanh chóng, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố.
Như vậy để thấy, lực đẩy từ hạ tầng giao thông đã góp phần cải thiện tâm lý nhà đầu tư, từ đó tạo thanh khoản tích cực cho bất động sản Đồng Nai nói riêng, khu ven Tp.HCM nói chung. Gần đây, hoạt động đông đúc tại các phòng công chứng tại Đồng Nai hay động thái “săn” bất động sản đón đầu hạ tầng của các nhà đầu tư cho thấy, tín hiệu phục hồi của thị trường địa ốc đang dần tốt lên.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban Điều hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Đồng Nai khẳng định, cuối năm nay, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ hồi phục sức cầu rõ nét, đặc biệt ở loại hình nhà ở vừa túi tiền.
Theo ông Cường, tín hiệu tích cực của thị trường là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đó là nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án từ phía Chính phủ và các bộ, ngành; 3 bộ luật về bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm cũng tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Thêm vào đó, hiệu ứng từ Đề án Phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 tại Đồng Nai cũng làm gia tăng quỹ đất, dự án, sản phẩm nhà ở trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, yếu tố hạ tầng giao thông đang là bệ đỡ lớn cho bức tranh bất động sản của tỉnh. Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông đã góp phần thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai trong năm 2023 đạt hơn 34 tỷ USD. Trong đó có 10 dự án FDI vốn “khủng” đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức.
Song song đó, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ của Đồng Nai trên thị trường quốc tế.
Ông Cường cho biết, thời gian tới Đồng Nai tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu lãi suất phù hợp. Bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần tái cơ cấu lại sản phẩm, tham gia đầu tư xây dựng sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu xã hội để cung - cầu gặp nhau.