Tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng
Thành Phố Đà Nẵng là một thành phố thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên- Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.
Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam, cách thành phố Huế 108km về hướng Tây Bắc. Đây là một thành phố vừa có núi cao, sông sâu, đồi dốc trung du xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.
Theo số liệu được Cục Thống kê Đà Nẵng công bố, CPI bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 5,52% so với bình quân cùng kỳnăm 2022, mức tăng này cao hơn mức tăng bình quân cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Đà Nẵng trong 10 tháng của năm 2023 đạt 105.594 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến 15/10, thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 176,835 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ năm 2022. Nổi bật là dự án nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao.
Trong 10 tháng đầu năm 2023 (tính đến 15/10/2023), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.490 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 15.366 tỷ đồng; giảm 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 28,1% về số vốn so với cùng kỳ 2022 (tương đương với 3.490 doanh nghiệp với vốn đăng ký 19.865 tỷ đồng).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/10/2023 đạt 15.624 tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 4.296 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 11.327 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ là Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,5 - 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5 - 12%); dịch vụ tăng 9,5 - 10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61 - 62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8 - 9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000 - 8.500 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống.
Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn "chất lượng cao" ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.
Về công nghiệp, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: Công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.
Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: Công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.