Để duy trì sự hiện diện tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội…
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, công nghiệp của Việt Nam sang EU năm 2024 có nhiều thuận lợi.
7 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản, công nghiệp của Việt Nam sang thị trường EU tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài mặt hàng cà phê tăng 34%, rau quả không kể hạt điều tăng 42,9%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 35%, đồ nội thất tăng 15%; các mặt hàng khác giảm nhưng tốc độ chậm hơn quý 1 và 2, cụ thể thủy sản -7%, điều -2%.
Ngành hàng công nghiệp trong đó nhựa và các sản phẩm nhựa xuất khẩu tăng 27%; hàng dệt may -5%; giày dép tăng 4% nhưng da và sản phẩm da lại -12%; sắt thép tăng 3% nhưng sản phẩm từ sắt thép -22%; máy và thiết bị điện, viễn thông tăng 9%.
Khó khăn về nguồn nguyên liệu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được hưởng ưu đãi thuế quan nên nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế so với các nước trong khu vực, có thể mở rộng vào thị trường EU như: gạo, tôm, hạt điều, trái cây, sản phẩm chế biến từ gạo, trái cây, rau củ quả…
Bên cạnh đó, xu hướng có nhiều loại doanh nghiệp Việt Kiều tại châu Âu (hà Lan, Bỉ, Pháp, Anh, Ba Lan…) tham gia nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam sang phân phối tại châu Âu thay vì thông qua các đối tác nhập khẩu người Hoa và châu Âu.
Điều này tạo ra hệ sinh thái mới liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và kết nối, phân phối tại hệ thống cửa hàng châu Á, các chuỗi nhà hàng châu Á tại EU và đã bước đầu thâm nhập đưa vào phân phối tại các hệ thống siêu thị EU.
Mặt khác, EU coi trọng quan hệ với Việt Nam, hàng hóa Việt Nam không trùng lặp, cạnh tranh với hàng của EU. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng cởi mở, ưa chuộng hàng châu Á chất lượng. Việc thực thi Hiệp định EVFTA là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực châu Á đặc biệt về giá tại thị trường quan trọng này.
Bên cạnh những thuận lợi, thách thức với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng khá lớn. Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các cam kết về quy tắc xuất xứ của EU rất chặt chẽ, thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).
Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Đồng thời khả năng xảy ra những vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến gian lận xuất xứ.
Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe (như Cơ chế điều chỉnh Carbon biên giới (CBAM), Quy định chống phá rừng - EUDR) và không dễ để đáp ứng.
Bộ Công Thương nhận định, khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ, EU có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại rất lớn.
Hiện EU đang mở điều tra gian lận vành xe bằng thép của Việt Nam và xuất xứ thép cán nóng nghi gian lận xuất xứ từ Trung Quốc.
Mặc dù giá cước vận tải đường biển có giảm nhưng vận chuyển đường không chưa giảm nhiều, logistics chưa được cải thiện đã ảnh hưởng giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ, Châu Phi và Trung Đông xuất khẩu sang EU…
Mặc dù giá cước vận tải đường biển có giảm nhưng vận chuyển đường không chưa giảm nhiều, logistics chưa được cải thiện đã ảnh hưởng giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ, Châu Phi và Trung Đông xuất khẩu sang EU…EU lại liên tục cập nhật và gia tăng việc đưa ra các biện pháp SPS (kiểm dịch động thực vật) mới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu bao gồm cả sản phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật, như quy định liên quan đến Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng xuất khẩu và lưu thông tại EU…
Chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu
Để vượt qua những rào cản trên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng việc xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư của Việt Nam cần bắt kịp xu hướng chính sách thương mại của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể các mặt hàng như đồ gỗ, sao su, cà phê, ca cao... và các sản phẩm bắt nguồn như da, giấy,… phải đáp ứng quy định deforestation của EU. Từ 31/12/2025, những sản phẩm này xuất khẩu vào EU phải kèm theo các giấy chứng nhận sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.
Đồng thời có cơ chế đầu tư, quản lý và cấp chứng chỉ carbon cho các mặt hàng thép, xi măng, sắt, phân bón vào EU để theo kịp quy định CBAM của EU dự kiến thực thi từ năm 2026.
Tận dụng nguồn vốn từ cam kết chuyển đổi năng lượng công bằng của EU ký với Việt Nam nhân chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tại EU-Bỉ tháng 12/2022 để phát triển các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, giảm khí thải nhà kính của Việt Nam.
Ông Laurent Lourdais, Phó trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho rằng để duy trì sự hiện diện tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc…
Đặc biệt, nỗ lực gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sớm nhất có thể thông qua phối hợp với các Bộ Nông nghiệp, ngành, tỉnh thành liên quan chuẩn bị kỹ nội dung làm việc với đoàn thanh tra của EU sang Việt Nam dự kiến trong tháng 11/2024.