Nhiều chuyên gia cho rằng không nên vì “không quản được thì cấm”, mà nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại nhà cho thuê, hoặc bán từng căn hộ nhỏ thường được goi là “chung cư mini”, giúp phát triển an toàn, lành mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ đã yêu cầu địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cấp đã để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng và hoạt động của loại hình này. Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo chủ nhà khẩn trương có giải pháp cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân một cách thuận lợi nhất…
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), chung cư mini được xây dựng nhiều tại thành phố lớn, nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư, nhất là người thu nhập thấp. Chỉ riêng Hà Nội đã có 2.000 nhà chung cư mini, còn TPHCM ước khoảng 42.256 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê. Như vậy, cả nước đang tồn tại hàng nghìn chung cư mini với hàng trăm nghìn người sinh sống cho thấy nhu cầu thuê, mua căn hộ nhà chung cư mini rất lớn.
“Vì thế buộc phải tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn giải pháp nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini” - ông Châu nói và cho rằng chung cư mini không phải “sản phẩm lỗi” của giai đoạn thị trường BĐS phát triển nóng trước đây như một số ý kiến, mà chung cư mini có căn hộ để cho thuê hoặc để bán là sản phẩm nhà ở cần thiết với xã hội trong hơn 13 năm qua, hiện nay và có thể trong nhiều thập niên sắp tới. Bởi đây là loại căn hộ nhà ở có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền, phù hợp nhiều thành phần của xã hội - những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư. Ngay những nước công nghiệp phát triển thì vẫn có chung cư mini.
Từ đó, đại diện HoREA đề nghị bổ sung quy định về đầu tư xây dựng chung cư mini phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, bao gồm công trình phòng cháy chữa cháy... Đặc biệt cần bổ sung quy định về quản lý vận hành chung cư mini tương tự như quản lý vận hành nhà chung cư.
Chuyên gia BĐS, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng chung cư mini đáp ứng nhu cầu an cư cho người lao động, và cả những nhân viên thu nhập trung bình khá ở các đô thị lớn. Thời buổi "tấc đất là tấc vàng", để sở hữu được một căn hộ là vô cùng khó khăn đối với người lao động có mức thu nhập trung bình, càng xa vời với người thu nhập thấp. Vì thế chung cư mini như một giải pháp thực tế.
Với câu hỏi: Nhiều ý kiến cho rằng chung cư mini đang bị biến tướng. Vậy theo ông, khoảng trống pháp luật với loại này nằm ở đâu? Ông Hiển nói: “Rõ ràng, có tính phổ biến nhưng để chung cư mini đi được từ pháp lý đến thực tế là một câu chuyện dài. Việc nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.
Ông Hiển cũng cho rằng, vấn đề chính ở đây phải là các phương án phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm để bảo đảm an toàn cho cư dân khi có cháy nổ xảy ra. Tất nhiên, nếu các phương án của cơ quan phòng cháy chữa cháy quá nghiêm ngặt, bất hợp lý sẽ khó thực hiện.
“Trong chiều ngược lại, việc cán bộ phòng cháy chữa cháy và chủ tòa nhà vì lợi ích riêng mà không quản lý tốt thì hậu quả nhãn tiền, mà sự cố cháy chung cư 9 tầng ở Hà Nội vừa qua là thực tế đau lòng” - ông Hiển nói, đồng thời cho rằng cần đặc biệt chú ý tăng cường công tác quản lý của cơ quan xây dựng. Trong đó, yêu cầu các chung cư mini phải có đường thoát hiểm, không thể để một đường độc đạo vào - ra. Với các chung cư không đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy thì dứt khoát không cho bán ra thị trường các căn hộ đó.