Vô tình xuất hiện trong livestream của người lạ rồi bị bình phẩm ngoại hình: Livestream cũng cần văn minh!

Sự việc bắt đầu từ những bài đăng trên mạng xã hội của một số người dùng, phản ánh việc nhiều streamer livestream cảnh đông đúc trong giờ cao điểm buổi sáng tại ga tàu điện ngầm ở quận Phúc Điền, Thâm Quyến. Đáng nói, những người này đã không hề che mặt hành khách vô tình lọt vào khung hình.

Đại diện Công ty tàu điện ngầm Thâm Quyến Quyến rũ cho biết đã nhận được những phản ánh về vụ việc. Phía công ty khẳng định sẽ siết chặt quản lý, đồng thời cho biết: "Nếu không đăng ký nội dung quay chụp với ban quản lý tàu điện ngầm, mọi hành vi quay phim, livestream đều bị cấm".

Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, Điều 1019 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rõ ràng, việc sản xuất, sử dụng, công khai chân dung của người khác mà chưa được người có quyền về chân dung đồng ý là hành vi vi phạm pháp. 

Trong phạm vi các địa điểm công cộng, việc thực hiện các hoạt động cá nhân không liên quan đến lợi ích công cộng vẫn thuộc phạm vi bảo vệ quyền riêng tư" - các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh. Theo đó, các streamer không được phép và cũng không nên thực hiện các hành vi thăm dò, nghe lén, quay lén, ghi âm, tiết lộ thông tin bất hợp pháp. Các nền tảng phát trực tiếp cũng bị nghiêm cấm phát tán công khai các hoạt động cá nhân liên quan.

Tiêu cực hơn là các hành khách vô tình lọt vào ống kính phát trực tiếp lại bị đem ra bình phẩm, bàn tán. Những bình luận như "Nhìn thấy một cô bé xinh đẹp", "Sao họ trông không vui vẻ gì cả"... khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng livestream, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ để xử lý vấn đề này.

Không thể phủ nhận livestream đang dần thay đổi cuộc sống của con người trong thời đại ngày nay. Thông qua những ống kính trực tiếp đa dạng, mỗi người đều có thể phá vỡ mọi giới hạn về không gian và thời gian, quan sát thế giới rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, ống kính livestream cũng mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để có thể thể hiện bản thân hơn, từ việc thể hiện tài năng đến khởi nghiệp kinh doanh, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người với người.

Thế nhưng, mặt khác, những ống kính trực tiếp xuất hiện khắp mọi nơi như "con ngựa bất kham" đang "xâm chiếm" cuộc sống thường ngày của người bình thường. 

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra xung đột do hành vi livestream gây ra. Trước đó, việc một người nổi tiếng trên mạng là Guo Youcai bất ngờ nổi tiếng đã khiến rất nhiều streamer đổ xô đến nhà ga phía Nam Hà Trạch, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều trường học, khu dân cư mà còn khiến người dân vô cùng bức xúc. Nhiều phương tiện truyền thông cũng đưa ra thông tin về việc một số sinh viên các trường đại học, cao đẳng liên tục phát trực tiếp ngay tại lớp học hoặc đăng ký thường trú, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của các sinh viên khác.

Có thể thấy, ngay cả ở những nơi công cộng, không phải địa điểm nào cũng phù hợp để phát trực tiếp. Ví dụ, các nhà ga, lớp học... vốn là những nơi yêu cầu cao về trật tự, môi trường. Việc livestream, quay phim nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra một loạt ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa, không ai muốn hình ảnh, biểu cảm, kiểu tóc... của bản thân bị người lạ theo dõi, thậm chí là chế giễu, bôi nhọ mà không hề hay biết. Đây không chỉ là cách livestream thiếu văn minh mà còn là sự coi thường, chà xát lên nhân phẩm của người khác.

Việc một số streamer bất chấp địa điểm, hoàn cảnh để livestream nhằm thu hút sự chú ý không chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Điển hình như vụ việc một nữ streamer bị xe đâm trúng khi đang livestream trên đường cao tốc chuyên dụng du lịch hồ Thanh Hải. Hay một tài xế xe cứu thương vừa lái xe vừa livestream, đồng thời có hành vi phóng nhanh vượt ẩu. 

Chính vì vậy, cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể về việc livestream, hướng dẫn người dân livestream đúng nơi, đúng chỗ. Các nền tảng mạng xã hội cần phải thiết lập cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ, xóa nội dung trực tiếp, đảm bảo không xâm phạm đến quyền riêng tư, quyền chân dung... của người khác. Đây là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của các nền tảng mạng xã hội, đồng thời cũng là thước đo trách nhiệm xã hội của họ.

Nguồn: ThePaper.cn