Ứng dụng trí tuệ nhân tạo gia tăng năng suất lao động

(Chinhphu.vn) - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp gia tăng năng suất lao động gấp nhiều lần và ở tất cả các lĩnh vực thông qua khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu, tính toán nhanh chóng và hiệu quả.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, AI đã và đang thay đổi bộ mặt của nền kinh tế và xã hội, từ việc tự động hóa quy trình sản xuất đến việc tối ưu hóa dịch vụ khách hàng…

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh,  Việt Nam và khu vực châu Á đang có sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Theo ông Trương Gia Bình, bên cạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu, thì còn có cuộc chuyển đổi mới - chuyển đổi trí tuệ nhân tạo.

"Sự ra đời của siêu trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra nguồn lao động mới – kỹ sư AI và AI đi vào tất cả mọi lĩnh vực", Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khẳng định.

Tại một toạ đàm "Xu hướng lao động tương lai - Cơ hội cho ai?" cũng được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học FPT thông tin, Chat GPT 4.0 ứng dụng AI hiện có lượng dữ liệu khoảng nghìn tỷ parameter (đơn vị đo thông tin). Các hệ thống ChatGPT hoặc Google IO bây giờ đã vượt xa con người về kiến thức.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng 1/2024, tới năm 2030, hơn 40% lao động sẽ bị ảnh hưởng từ AI.

Theo báo cáo mới nhất ở Mỹ (Work Trend Index Report, tháng 5/2024), 75% người đi làm đã dùng AI trong công việc; 46% mới dùng AI trong 6 tháng vừa qua; 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.

"Chúng ta hãy biến AI thành công cụ phục vụ cho công việc cho chính mình, đừng sợ nó", ông Hoàng Nam Tiến khẳng định.

Cũng chia sẻ về lĩnh vực AI, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA  ví dụ cụ thể để so sánh AI với con người. The đó, trí tuệ nhân tạo có thể viết email gửi khách hàng giới thiệu về sản phẩm nhanh gấp 36 lần so với con người, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần, nó cũng nhanh gấp 10 lần một lập trình viên trong thiết kế giao diện website.

Như vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc ứng dụng AI là chìa khóa để doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Đây cũng chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian và gia tăng lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay là thiếu nguồn lực kỹ thuật và các chuyên gia về AI.

Báo cáo năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, những nghề sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai bởi công nghệ gồm: giáo dục (giáo viên); dịch vụ (chăm sóc khách hàng), y dược (bác sĩ, dược sĩ), tài chính (kiểm toán, kế toán), an ninh (bảo vệ, cảnh sát), chuyên gia…

10 ngành phát triển nhanh nhất thế giới gồm: chuyên gia AI và học máy; chuyên gia phát triển bền vững; nhà phân tích kinh doanh thông minh; nhà phân tích an toàn thông tin; kỹ sư Fintech (công nghệ tài chính); các nhà phân tích và nhà khoa học dữ liệu; kỹ sư robot; kỹ sư công nghệ điện tử; người vận hành thiết bị nông nghiệp; chuyên gia chuyển đổi số.

HM