Hơn 500 doanh nghiệp tham gia hội nghị, trong đó phần lớn là công ty Trung Quốc. Trong số những công ty nước ngoài hiện diện tại sự kiện, có 2 tên tuổi lớn của Mỹ là Tesla và Qualcomm.
Ngoài việc giới thiệu nhiều sản phẩm và hệ thống liên quan đến trí tuệ nhân tạo, các công ty công nghệ Trung Quốc còn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lĩnh vực này, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Hội nghị cũng trở thành bệ phóng cho một số công ty giới thiệu sản phẩm AI mới nhất. Công ty SenseTime đã ra mắt SenseNova 5.5, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiên tiến nhất của họ. SenseNova 5.5 được xem là đối thủ của GPT-4o, công cụ của đối thủ OpenAI (Mỹ), trong các lĩnh vực như lý luận toán học.
Dù gặp không ít thách thức, chẳng hạn bị hạn chế tiếp cận chip tiên tiến do đòn trừng phạt của Mỹ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tin rằng các công ty trong nước vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực AI. Tại sự kiện, một số công ty Trung Quốc (Iluvatar Corex, Moore Threads, Sophgo, Enflame Technology...) trình làng chip AI được thiết kế để lấp đầy khoảng trống do hãng Nvidia (Mỹ) để lại tại thị trường nội địa.
Ngoài ra, một số giám đốc điều hành kêu gọi ngành công nghiệp AI chuyển sự tập trung khỏi việc phát triển LLM vốn đòi hỏi nhiều sức mạnh điện toán và chip AI. Thay vào đó, theo Reuters, họ cho rằng ngành công nghiệp này nên ưu tiên cho việc ứng dụng AI. "Nếu không có ứng dụng, việc chỉ có các mô hình nền tảng, dù là mã nguồn mở hoặc mã nguồn đóng, đều vô giá trị" - ông Robin Li, Giám đốc Điều hành Công ty Baidu, nhấn mạnh tại hội nghị.