Tranh cãi chuyện người lao động dùng công cụ AI để hỗ trợ phỏng vấn xin việc cho 'trót lọt': Bước tiến tất yếu hay chỉ là chiêu trò gian lận tinh vi?

Công nghệ AI đang len lỏi vào quy trình tuyển dụng với những công cụ hỗ trợ ứng viên từ viết hồ sơ xin việc đến trả lời phỏng vấn, đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và tương lai của ngành nhân sự. Liệu đây là bước tiến tất yếu hay chỉ là chiêu trò gian lận tinh vi?

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, và ngành tuyển dụng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Final Round AI, một startup công nghệ, đã cho ra mắt bộ công cụ ứng dụng AI hỗ trợ ứng viên tìm việc, bao gồm các tính năng như tạo sơ yếu lý lịch, viết thư xin việc và đặc biệt là ứng dụng Copilot gây tranh cãi với khả năng "gợi ý" câu trả lời trong quá trình phỏng vấn. 

Tranh cãi chuyện người lao động dùng công cụ AI để hỗ trợ phỏng vấn xin việc cho 'trót lọt': Bước tiến tất yếu hay chỉ là chiêu trò gian lận tinh vi?- Ảnh 1.

Trong khi nhiều người hoan nghênh những tiến bộ này như một kỷ nguyên mới của hiệu quả, thì nhiều ý kiến khác lại đặt câu hỏi về tính toàn vẹn của việc sử dụng AI trong một quy trình vốn được thiết kế để đánh giá năng lực con người. Cuộc tranh luận về tương lai của tuyển dụng và ranh giới mong manh giữa hỗ trợ và gian lận đang ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết tại Thung lũng Silicon. 

Michael Guan, CEO của Final Round AI, bảo vệ quan điểm của mình bằng cách lập luận rằng nếu AI có thể giúp ứng viên tỏa sáng trong buổi phỏng vấn, thì nó cũng có thể được tận dụng để họ thể hiện tốt trong công việc thực tế. Ông cho rằng việc sử dụng AI thách thức các chuẩn mực truyền thống và cách chúng ta nhìn nhận về việc ứng dụng công nghệ vào đời sống.

Theo đó, ranh giới giữa hỗ trợ và gian lận ngày càng trở nên mờ nhạt khi các công cụ AI như Otter.ai, vốn được thiết kế để ghi chép và chuyển đổi lời nói thành văn bản, lại được tận dụng để hỗ trợ trả lời phỏng vấn trực tiếp. Điều này làm dấy lên những lo ngại về tính công bằng và minh bạch trong quy trình tuyển dụng. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhiều ứng viên đã tìm đến các dịch vụ "phỏng vấn ủy quyền", nơi họ trả tiền cho người khác hỗ trợ trả lời phỏng vấn một cách bí mật. 

Hình thức gian lận này đã phát triển theo cấp số nhân nhờ công nghệ, từ việc mạo hiểm đọc nhép theo lời người khác cho đến việc ứng dụng AI để "nhắc bài" một cách tinh vi và khó bị phát hiện. Xu hướng này đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà tuyển dụng: làm sao để đảm bảo quy trình tuyển dụng vẫn là thước đo chính xác năng lực của ứng viên, thay vì chỉ là khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến?

Cũng cần nói thêm, ngành công nghiệp "phỏng vấn ủy quyền" đã tồn tại từ lâu như một dịch vụ ngầm, cung cấp sự trợ giúp "chui" cho các ứng viên. Tuy nhiên, AI đang làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi này với những công cụ như Otter.ai vô tình trở thành trợ thủ đắc lực cho các dịch vụ gian lận. Bên cạnh đó, nhiều nhà sáng tạo đã và đang bỏ qua mô hình ủy quyền truyền thống để phát triển các giải pháp AI như "tech-int-cheat" và Ecoute, cung cấp câu trả lời phù hợp ngữ cảnh trong thời gian thực, khiến ranh giới đạo đức trong tìm kiếm việc làm càng trở nên mong manh hơn. 

Trong khi đó, các startup như AiApply lại hướng đến mục tiêu được công nhận rộng rãi với các sản phẩm ứng dụng AI của mình. Họ thận trọng hơn trong việc điều hướng ranh giới sử dụng có đạo đức bằng cách cung cấp gợi ý trong thời gian thực mà không đi quá giới hạn cung cấp câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi kỹ thuật.