Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn ra phức tạp

Từ 24 phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến, các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục nghiên cứu hàng ngày, hàng giờ để tích hợp và phát triển ra những phương thức, thủ đoạn mới khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và phòng tránh.

Chia sẻ thông tin tại Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới diễn ra chiều 13/5, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - A05, Bộ Công an đã nhận định, gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng các phương án, kịch bản để tuyên truyền cảnh báo người dân, trong đó tổng hợp 24 hình thức phổ biến. Thông tin giúp người dân nhận diện và phòng chống với 24 hình thức lừa đảo này đã được phổ biến rộng rãi tới đông đảo người dân từ cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, đến thời điểm hiện tại từ 24 phương thức, thủ đoạn đó, các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục nghiên cứu hàng ngày, hàng giờ để tích hợp và phát triển ra những phương thức, thủ đoạn mới khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và phòng tránh.

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn ra phức tạp- Ảnh 1.

Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an chia sẻ thông tin tại Họp báo

“Thời gian vừa qua, trước mắt để giải quyết tình trạng lừa đảo trực tuyến, chúng tôi nhận thấy tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để đối phó với lừa đảo trực truyến là yếu tố quan trọng nhất. Trên cơ sở đó, vừa qua A05 đã xây dựng trang fanpage của Cục lấy tên là Cục An ninh mạng và sử dụng công nghệ cao, thông qua nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hàng ngày, và phối hợp với các đơn vị truyền thông liên quan để xây dựng kịch bản, làm sao để phổ biến những kiến thức phòng ngừa những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo” - Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho hay.

Song song đó, vừa qua, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã triển khai xây dựng phần mềm nhận diện tội phạm lừa đảo , dự kiến sẽ triển khai cài đặt, đưa lên các chợ ứng dụng, cài trên các thiết bị thông minh, tích hợp dữ liệu về phòng chống tội phạm lừa đảo của các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước để có thể thông tin đến cho người dân cài đặt ứng dụng, có những kiến thức, biết nhận diện các hình thức lừa đảo, các nguy cơ bị lừa đảo, tấn công trực tuyến trên không gian mạng. “Ngoài ra, lực lượng an ninh mạng xử lý tội phạm công nghệ cao trên cả nước đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo, chúng tôi tiến hành xác minh, xử lý” - Trung tá Vũ Trọng Nghĩa nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Tại sao các đối tượng lừa đảo trực tuyến lại hoạt động công khai và ngang nhiên như thế, gần như thách thức lực lượng chức năng tại Việt Nam?”, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho rằng có một số lý do.

Thứ nhất , trong việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, luật pháp của chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là Nghị định 72 đang được sửa đổi, sẽ sớm được trình Chính phủ xem xét thông qua. Khi Nghị định sửa đổi này được ban hành, các tài khoản mạng xã hội sẽ được định danh, trên cơ sở đó chúng ta mới có căn cứ pháp lý yêu cầu các tổ chức xuyên biên giới cung cấp thông tin liên quan đến các tài khoản mạng xã hội mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh tổ chức, cơ quan nhà nước để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai , do đối tượng lừa đảo hiện nay cách thức, phương thức thủ đoạn thay đổi so với trước. Bây giờ, các đối tượng hoạt động manh động hơn, xuyên biên giới, có sự câu kết của các đối tượng trong nước và quốc tế, lấy các địa bàn ở các quốc gia, khu vực lân cận ngoài Việt Nam làm địa điểm để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, quá trình điều tra, truy vết các hoạt động phạm tội phải có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, quá trình điều tra xác minh, xử lý cần nhiều thời gian hơn so với đối tượng lừa đảo hoạt động trong nước.

Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho biết, thời gian trước mắt, Cục an ninh mạng đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) để rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng, không chỉ riêng Bộ Công an, Cục An ninh mạng, mà cả các văn phòng luật sư, cơ quan chức năng khác để lừa đảo công dân Việt Nam; trao đổi thông tin và có kênh tương tác trực tiếp với các cơ quan chức năng khác để ngăn chặn nhanh nhất có thể.