Thừa nhận hàng "Made in Vietnam" ngon hơn "Made in China" một bậc, Trung Quốc đang chi mạnh tay nhập khẩu một loại hạt Việt Nam với giá đắt đỏ

Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại hạt này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều trong tháng 9/2023 đạt 56.794 tấn với trị giá hơn 310 triệu USD, giảm 6,3% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 452.590 tấn với trị giá hơn 2,5 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt 5.722 USD/tấn, giảm 4,47% so với cùng kỳ năm 2022.

photo-1698683861745

Xét về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nổi lên là một người mua tích cực.

Cụ thể trong tháng 9/2023, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 12.689 tấn với trị giá hơn 73,2 triệu USD, tăng mạnh 108,6% về lượng và tăng 107,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng này cao nhất từ đầu năm và đưa Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong tháng 9.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc chi ra hơn 433,7 triệu USD để nhập khẩu 70.479 tấn hạt điều, tăng 38,6% về lượng và tăng 42,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc chiếm 15,6% về sản lượng và 16,7% về kim ngạch trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu hạt điều Việt Nam trong 9T/2023.

Giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 6.154 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Mức giá trên cao hơn 433 USD/tấn so với giá xuất khẩu của toàn thị trường.

photo-1698683841319

Theo người Trung Quốc, do thổ nhưỡng địa phương sâu, tơi xốp, chứa nhiều khoáng chất nên so với hạt điều của các nơi khác, hạt điều Việt Nam mẩy, nhân ngon hơn, tỷ lệ hạt xấu thấp hơn.

Chia sẻ với trang tin QQ News (Trung Quốc), người dùng có tên Tianhe Wanwu cho biết thêm, hạt điều Việt Nam giàu dinh dưỡng, thơm ngon ngậy bùi, là đặc sản nhất định phải mua khi sang Việt Nam.

Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp, do đó Việt Nam vẫn tăng cường nhập khẩu điều (trị giá 2,6 tỷ USD) để phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu.

Trong năm 2022, với hơn 3 tỷ USD thu về, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu, chiếm khoảng 80% thương mại điều nhân toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…

Theo thống kê, hạt điều nhân của Việt Nam đã có mặt ở 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm. Năm 2006, với kim ngạch đạt 520 triệu USD, Việt Nam chính thức là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới. Đến năm 2010, mặt hàng này lần đầu tiên giúp nước ta thu về 1 tỷ USD, đồng thời lọt vào "câu lạc bộ tỷ USD" của ngành nông nghiệp. Hạt điều là mặt hàng Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu.

Theo kế hoạch mới nhất của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nếu giá điều thô tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm tiếp từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 3,05 tỷ USD (giảm 50 triệu USD so với kế hoạch đề ra).