Theo SCMP, các nhà nghiên cứu từ Đại học Thiên Tân và Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc đã kết nối mô não với giao diện thần kinh, cho phép dẫn truyền tín hiệu điều khiển đến cơ thể robot hình người.
Cụ thể, các nhà khoa học đã kết hợp mô não có nguồn gốc từ tế bào gốc của con người với một chip giao diện thần kinh. Với bộ não nhân tạo này, robot có thể được dạy tránh chướng ngại vật và cầm nắm đồ vật.
Theo Đại học Thiên Tân, đây là hệ thống tương tác thông tin phức hợp thông minh trên chip não đầu tiên trên thế giới và có tiềm năng dẫn đến sự phát triển của điện toán não bộ. Nói cách khác, nghiên cứu này có thể dẫn đến sự phát triển trí thông minh lai giữa con người và robot.
Các cơ quan dạng tế bào được hình thành từ tế bào gốc đa năng của con người, có khả năng phân chia và phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau, chẳng hạn như mô não.
Ngoài việc dạy một robot tránh chướng ngại vật hoặc cầm nắm đồ vật, các nhà khoa học hy vọng rằng bộ não nhân tạo có thể được sử dụng để sửa chữa não người thông qua cấy ghép.
"Việc cấy ghép các cơ quan não người vào não sống là một phương pháp mới để thúc đẩy sự phát triển và chức năng của cơ quan trong cơ thể người", theo báo cáo nghiên cứu được SCMP đăng tải. "Các cơ quan ghép nối với hệ thống mạch máu chức năng có nguồn gốc từ vật chủ và thể hiện sự trưởng thành tiên tiến".
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn đầu và vẫn còn rất nhiều yếu tố chưa được giải đáp. Ví dụ, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu các mô não bị tổn thương có thể được sửa chữa hoặc tái tạo bằng cách sử dụng các cơ quan cấy ghép dạng này hay không.
Năm 2023, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania đã đưa các tế bào thần kinh của con người vào não của những con chuột bị tổn thương vỏ não thị giác, khiến một số vùng não bị ảnh hưởng trở nên sống động trở lại và có phản ứng với các yếu tố kích thích bên ngoài như ánh sáng.
Trong báo cáo mới nhất, các nhà nghiên cứu của Đại học Thiên Tân đã xử lý các cơ quan dạng này bằng sóng siêu âm cường độ thấp, nhằm tìm ra cách tích hợp các cơ quan cấy ghép vào não người mà không bị đào thải. Họ phát hiện ra rằng sóng siêu âm đã cải thiện quá trình biệt hóa của các tế bào dạng cơ quan thành tế bào thần kinh, từ đó cải thiện các mạng lưới mà chúng hình thành với não vật chủ.
Hiện tại, việc sử dụng sóng siêu âm có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan cấy ghép và giao diện máy tính, đánh dấu bước tiến hướng tới tương lai khi mô não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giúp phục hồi các chức năng trong não người.
Phan Hoàng - Futurism