Theo ông Atanas(Nasko) Raykov, Phó Giám đốc Marketing và Tăng trưởng toàn cầu của Rakuten Viber, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách ưu tiên cho sự phát triển về công nghệ thông tin theo xu hướng 4.0 của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động và có tính đổi mới rất cao vì người dân rất chuộng tiếp cận công nghệ mới.
Ông Atanas(Nasko) Raykov cho biết, theo khảo sát của Viber, trong những năm 2022, 2023 số người sử dụng Viber thường xuyên tại Việt Nam đã tăng 20%. Trong đó, lượng người sử dụng Viber để gọi điện thoại cũng đã tăng 14-17%; người sử dụng khám phá các tính năng, ứng dụng khác trên Viber tăng đến 42%...
Để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, Viber ra mắt hàng loạt tính năng và dịch vụ. Đầu năm 2023, người dùng Viber tại Việt Nam hiện đã có thể kích hoạt tính năng mới Caller ID (xác thực người gọi) trong mục "Cuộc gọi và Tin nhắn" ở phần cài đặt của ứng dụng.
Đặc biệt, tính năng Business Inbox và tài khoản thương mại giúp người dùng cải thiện trải nghiệm và tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Tính năng này cho phép tất cả các tin nhắn doanh nghiệp từ các tài khoản chính thức của nhãn hàng được lưu trữ và sắp xếp trong một thư mục (chẳng hạn như thông báo ngân hàng, xác nhận đơn hàng từ dịch vụ giao hàng, ưu đãi đặc biệt từ cửa hàng...). Các ứng dụng trên Viber đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhóm công tác làm kênh tương tác, liên hệ để kết nối với khách hàng, trao đổi công việc…
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy 71% người tiêu dùng mong muốn tiếp cận với các thương hiệu, doanh nghiệp một cách thuận tiện, 95% các nhà lãnh đạo cho rằng việc cung cấp trải nghiệm tốt cho khách hàng là chiến lược ưu tiên hàng đầu.
"Chính vì vậy, Viber cho rằng ứng dụng nhắn tin là một công cụ hiệu quả để làm "cầu nối" giữa thương hiệu - người tiêu dùng, mở rộng kết nối với đối tượng một cách tự nhiên, dẫn đến giá trị gia tăng cho cả hai bên. Đồng thời, bằng cách thêm nhiều tính năng, dịch vụ và kênh liên lạc, Viber có thể mang lại nhiều giá trị sử dụng hơn cho cả người dùng và doanh nghiệp", ông Atanas(Nasko) Raykov chia sẻ.
Tại Việt Nam, Viber cũng đã có các đối tác thương mại lớn như các hãng hàng không, ngân hàng để thông tin về chuyến bay, giờ bay hay các thông báo của các ngân hàng về các chính sách kinh doanh, dịch vụ cho thấy sự tin tưởng của các khách hàng lớn với Viber.
Riêng tại Việt Nam, tính đến nửa đầu năm 2023, đã có khoảng 700 tài khoản doanh nghiệp đăng ký và con số này vẫn tiếp tục tăng vào năm 2024. Viber đã ghi nhận thêm 18% thương hiệu mở tài khoản doanh nghiệp mới, tăng 21% số tin nhắn doanh nghiệp gửi đi và tăng thêm 41% số lượng tin nhắn quảng cáo thương mại. Những con số này phản ánh sự quan tâm ngày càng nhiều của các công ty ở Việt Nam dành cho những giải pháp doanh nghiệp của Viber.
Tính năng bảo mật mới của Rakuten Viber giúp chống spam và lừa đảo
Ông Atanas(Nasko) Raykov nhận định, phát triển thị trường, gia tăng các dịch vụ, tiện ích cho người sử dụng nhưng làm thế nào bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đảm bảo an ninh, ngăn chặn các tin nhắn rác đang là thách thức với tất cả các nhà mạng, các dịch vụ cung cấp ứng dụng xã hội...
Để giải các "thách thức" này, đầu năm 2023, người dùng Viber tại Việt Nam hiện đã có thể kích hoạt tính năng mới Caller ID trong mục "Cuộc gọi và Tin nhắn" ở phần cài đặt của ứng dụng. Tính năng mới của Viber giúp người dùng tại Việt Nam có một lớp bảo vệ bổ sung cho người dùng Viber, giúp họ hạn chế các cuộc gọi rác. Đồng thời, Caller ID của Viber cũng giúp người dùng không bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng. Người dùng còn có thể đăng ký để kích hoạt khả năng xác định tất cả các cuộc gọi đến, kể cả từ người gọi không sử dụng Viber.
Đặc biệt, với cột mốc mới bằng cách hoàn thành chứng nhận được coi là tiêu chuẩn của ngành - Service Organization Control (SOC) 2 Type II Certification, được phát triển bởi Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA), Rakuten Viber khẳng định rằng các thực tiễn, chính sách, thủ tục và hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của nền tảng đáp ứng các tiêu chuẩn SOC 2. Công ty đã xem xét kỹ lưỡng cách Viber xử lý năm lĩnh vực chính: Bảo mật, sẵn có, tính toàn vẹn xử lý, bảo mật và quyền riêng tư.
Giới thiệu về những tính năng an toàn của Viber, ông Atanas(Nasko) Raykov cho biết, năm 2024, Rakuten Viber ra mắt tính năng "Xóa không dấu vết" dành cho người dùng Premium, là một trong những nỗ lực nhằm đảm bảo tính bảo mật cho người dùng cũng như giảm thiểu những vấn đề về mất an toàn an ninh mạng.
Viber cũng đang triển khai các lớp biện pháp an toàn bổ sung và tăng cường giám sát nền tảng, đặc biệt là ứng dụng nhắn tin tiên phong tích hợp mã hóa đầu cuối cho tất cả các cuộc trò chuyện nhóm 1-1 và cuộc gọi video riêng tư.
Theo ông Atanas(Nasko) Raykov, tính năng mã hóa cuộc gọi và tin nhắn là tính năng mã hóa đầu cuối và không lưu trữ các nội dung trên máy chủ của Viber sẽ giúp đảm bảo tính bảo mật cho người dùng. Đồng thời tuy không đọc và quản lý nội dung tin nhắn nhưng thông qua các thuật toán, Viber có các giải pháp để lọc các nội dung tin nhắn quảng cáo không mong muốn hay lừa đảo.
"Ứng dụng này khẳng định nỗ lực không ngừng của Viber để cung cấp một không gian an toàn cho tất cả người dùng, đó đang là mục tiêu quan trọng của Rakuten Viber", ông Atanas(Nasko) Raykov khẳng định.
Luôn đặt mục tiêu về sự phát triển của doanh nghiệp vào sự phát triển chung của các quốc gia mà Viber có mặt, trong đó có Việt Nam, nên bên cạnh các đầu tư về tài chính, kinh doanh, Viber sẽ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, tăng nhận diện thương hiệu, từ đó tăng giá trị cho từng doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Viber cũng sẽ gia tăng các chương trình cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng nguồn tài chính của mình.
Minh Thi