Những đơn vị nào là "chủ nợ lớn" của Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa?

Hết quý II/2024, Tập đoàn Tiên Sơn ghi nhận nợ phải trả gần 407 tỷ đồng, trong đó, có 248 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 158,8 tỷ đồng nợ và vay tài chính dài hạn.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 của Tập đoàn Tiên Sơn, tại ngày 30/6, tập đoàn này ghi nhận tổng nguồn vốn đạt trên 1.120 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt trên 713 tỷ đồng, nợ phải trả gần 407 tỷ đồng. Trong nợ phải trả, chiếm tỷ trọng lớn là nợ ngắn hạn 248 tỷ đồng, nợ dài hạn là 158,8 tỷ đồng. 

Theo đó, tại thời điểm cuối quý 2, Tiên Sơn ghi nhận nợ tại 4 ngân hàng, 1 công ty tài chính và cá nhân với tổng số tiền nợ là 255 tỷ đồng.

Những đơn vị nào là "chủ nợ lớn" của Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa?- Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa.

Cụ thể, Tập đoàn Tiên Sơn nợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Bỉm Sơn đầu năm hơn 209 tỷ đồng, phát sinh vay trong kỳ là 188 tỷ đồng, trả nợ trong kỳ 144 tỷ đồng. Cuối kỳ còn nợ tổng số tiền gần 111 tỷ đồng.

Nợ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - CN Thanh Hóa đầu năm hơn 122 tỷ đồng. Trong kỳ vay vào 45 tỷ đồng, trả nợ 40,5 tỷ đồng. Cuối kỳ còn nợ tổng số tiền hơn 128 tỷ đồng.

Nợ Ngân hàng TMCP Tiên Phong - CN Thanh Hóa đầu năm hơn 32 tỷ đồng. Trong kỳ vay vào hơn 32 tỷ đồng, trả nợ 64,3 tỷ đồng. Cuối kỳ còn nợ tổng số tiền hơn 128 tỷ đồng.

Nợ Ngân hàng TMCP Bản Việt - CN Thanh Hóa phát sinh trong kỳ 71,2 tỷ đồng. Nợ Công ty thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease số tiền gần 1,3 tỷ đồng, trong kỳ trả hơn 606 triệu, tồn dư hơn 684 triệu đồng. Còn lại khoản vay cá nhân 500 triệu từ đầu năm không có phát sinh hoạt động vay trả nợ.

Trong đó, các khoản nợ ngắn hạn và những khoản nợ dài hạn (nhưng thời hạn tất toán dưới 1 năm) mà Tiên Sơn phải thanh toán thời gian tới là 96,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong mục nợ phải trả, các khoản nợ khác đối với nghĩa vụ Nhà nước và các bạn hàng như: Phải trả người bán là Công ty TNHH EVER CHINE VN số tiền 5,3 tỷ đồng; Thuế phải nộp 7,9 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội và các khoản khác là 4,08 tỷ đồng; trả tiền đặt cọc của Công ty TS Vina là 5,2 tỷ đồng; Công ty TNHH May Sumec Việt Nam là 14,99 tỷ đồng; MEIJI CLOTHING PJE 19,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Long Hành Thiên Hạ 21,4 tỷ đồng...  

Với tỷ lệ nợ/vốn chủ (D/E) là 57%%, nợ trên tài sản là (D/E) là 36,3%, cho thấy Tập đoàn Tiên Sơn hiện có 36,3% tài sản được hình thành từ các khoản vay nợ. Chi phí lãi vay kỳ này 4,85 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 2,27 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, Tiên Sơn đang ghi nhận khoản đầu tư tài chính gần 66,9 tỷ đồng, giảm 21,5 tỷ so với số 87,4 tỷ đồng đầu năm. Số giảm này tới từ việc rút vốn tại công ty CP Lương Phát trong kỳ báo cáo.

Bên cạnh đó, Tiên Sơn ghi nhận tới 270 tỷ đồng các khoản phải thu khác, trong đó, có tới hơn 137 tỷ đồng trả trước cho các đối tác là công ty liên quan.

Những đơn vị nào là "chủ nợ lớn" của Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa?- Ảnh 2.

Các chủ nợ lớn trong BCTC quý 2 mà Tiên Sơn vừa công bố.

Một mục khác chiếm tỷ trọng lớn rất đáng chú ý là khoản phải thu ngắn hạn khác (hơn 206,6 tỷ đồng), khoản này không được nêu chỉ tiết trong báo cáo tài chính quý này. Còn lại phía Tiên Sơn đang trả trước cho các đối tác gần 147 tỷ đồng.

Trong quý 2/2024, Tập đoàn Tiên Sơn ghi nhận doanh thu 179,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,9 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo đại hội cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 25/6 vừa qua, trong đó, đại hội thống nhất mở rộng chiến lược phát triển ở mảng bất động sản cho thuê trong thời gian tới. Mà cụ thể bước đầu là việc thông qua thương vụ sáp nhập Hoàng Hải -TS, là đơn vị sở hữu dự án PH1 tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Để thực hiện thương vụ sáp nhập Hoàng Hải - TS, Tập đoàn Tiên Sơn dự kiến bỏ ra khoảng 270 tỷ để mua lại gần 80% cổ phần của Hoàng Hải - TS, tương đương 38% vốn điều lệ của tập đoàn Tiên Sơn, trong khi các phương án phát hành cổ phiếu để tạo nguồn không thể thực hiện được và đã bị hủy bỏ.

Việt Phương