Theo YouTube, chính sách mới này là một phần trong quy trình bảo vệ quyền riêng tư được cập nhật, cho phép trao nhiều quyền hơn cho người dùng để chống lại nạn giả mạo bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Người dùng khi phát hiện nội dung giả mạo bản thân bằng công nghệ AI có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại thay thế cho người khác nếu người đó là trẻ vị thành niên, người đã mất hoặc không có khả năng truy cập vào máy tính.
Tuy nhiên, YouTube sẽ vẫn là bên đưa ra quyết định cuối cùng về việc một video bị coi là giả mạo hay không để đi đến kết luận xóa video đó. Người tải video lên sẽ có 48 giờ để giải quyết khiếu nại trước khi video bị xóa khỏi YouTube.
Quyết định của YouTube về việc xóa video hay không có thể dựa trên các yêu tố như nội dung tạo bằng AI hay được tổng hợp từ các video có sẵn, nội dung có mang ý nghĩa châm biếm, nhại lại, có giá trị với công chúng hay không...
Các chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể là một trong những lý do khiến YouTube đưa ra quyết định xử lý mạnh tay đối với các video giả mạo bằng AI.
Theo thống kê, các video mô phỏng giọng nói và hình ảnh của ông Donald Trump bằng công nghệ AI đã gia tăng nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội.