Lý do ngày nay nhiều kẻ "chọn làm nghề lừa đảo": Kiếm tiền rất khủng nhưng cực kỳ hiếm khi bị bắt

Có những người tự chọn trở thành kẻ lừa đảo khi nhìn thấy cơ hội kiếm số tiền lớn quá dễ dàng trong khi nguy cơ bị bắt là rất ít.

Những kẻ lừa đảo đang thắng thế

Những tên tội phạm tinh vi ở nước ngoài đang lấy cắp hàng chục tỷ USD từ người dân Mỹ mỗi năm, làn sóng tội phạm được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn khi dân số nước này già đi và công nghệ như AI giúp việc gian lận và trốn tránh pháp luật trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

AP dẫn lời Kathy Stokes, giám đốc phòng chống lừa đảo tại Mạng lưới giám sát lừa đảo của AARP, cho biết các vụ lừa đảo qua Internet và điện thoại đã tăng "theo cấp số nhân", khiến cảnh sát và tòa án phải chật vật trong việc bắt giữ và kết án số thủ phạm ít ỏi.

Nạn nhân hiếm khi lấy lại được tiền, bao gồm cả những người lớn tuổi đã mất hết tiền tiết kiệm vì lừa đảo tình cảm, lừa đảo ông bà, lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật và các hình thức lừa đảo phổ biến khác.

Lý do ngày nay nhiều kẻ

"Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng về lừa đảo trong xã hội", Stokes cho biết. "Rất nhiều người đã bước vào cuộc chơi khi trở thành kẻ lừa đảo khá dễ dàng. Họ không phải tuân theo bất kỳ quy tắc nào, có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại có rất ít nguy cơ bị bắt".

Một vụ việc gần đây ở Ohio, trong đó một người đàn ông 81 tuổi bị kẻ lừa đảo nhắm tới đã đáp trả bằng bạo lực.

Cảnh sát cho biết người đàn ông đã bắn chết một tài xế Uber sau khi nhầm tưởng người phụ nữ tham gia vào âm mưu moi 12.000 USD của mình. Tài xế này thực tế không biết gì, được kẻ lừa đảo cử đến để lấy một gói hàng.

Chủ nhà William Brock bị buộc tội giết người nhưng kẻ lừa đảo đứng đằng sau chuỗi sự kiện bi thảm vẫn đang lẩn trốn hơn ba tháng sau đó.

Những vụ lừa đảo trực tuyến và qua điện thoại trở nên quá phổ biến đến nỗi các cơ quan thực thi pháp luật không có đủ nguồn lực để theo kịp.

Các vụ lừa đảo cũng có thể khó điều tra, đặc biệt là những vụ có nguồn gốc từ nước ngoài, với số tiền bị đánh cắp nhanh chóng được chuyển đổi thành tiền điện tử khó theo dõi hoặc bị rút vào các tài khoản ngân hàng nước ngoài.

Không cho là lừa đảo

Theo Paul Greenwood, người đã dành 22 năm truy tố các vụ lạm dụng tài chính người cao tuổi ở San Diego, một số sở cảnh sát không coi trọng các vụ lừa đảo tài chính như những tội phạm khác và các nạn nhân cuối cùng trở nên chán nản và suy sụp.

"Có rất nhiều cảnh sát nghĩ rằng vì nạn nhân tự nguyện gửi tiền thông qua thẻ quà tặng hoặc chuyển khoản, nên họ đang tham gia vào một giao dịch có sự đồng thuận", Greenwood cho biết. "Đó là sai lầm lớn. Không có đồng thuận nào ở đây. Họ đã bị lừa đảo".

Lý do ngày nay nhiều kẻ

Nạn nhân William Bortz và con gái.

Greenwood cho biết các công tố viên liên bang thường không can thiệp trừ khi vụ gian lận đạt đến một số tiền nhất định. Phần lớn các vụ gian lận cũng không được báo cáo do nạn nhân không muốn lên tiếng.

Những người lớn tuổi thường nắm giữ nhiều tài sản nên là mục tiêu dễ bị lừa đảo. Tác động có thể rất lớn vì nhiều nạn nhân đã qua tuổi lao động và không có nhiều thời gian để bù đắp tổn thất. Một nghiên cứu của AARP năm 2023 tính toán rằng người Mỹ trên 60 tuổi mất 28,3 tỷ USD mỗi năm do lừa đảo.

Tại San Diego, William Bortz, 80 tuổi, cho biết bọn tội phạm đã đánh cắp số tiền tiết kiệm của gia đình ông trị giá gần 700.000 USD trong kế hoạch tinh vi liên quan đến một đơn hàng Amazon không tồn tại, một "trung tâm xử lý hoàn tiền" giả mạo ở Hồng Kông, các sao kê ngân hàng giả mạo và một hướng dẫn rằng Bortz cần "đồng bộ hóa các tài khoản ngân hàng" để lấy lại tiền.

Kẻ lừa đảo Bortz rất kiên trì và có sức thuyết phục, quấy rối ông bằng hàng chục cuộc gọi điện thoại và có lúc còn chiếm quyền điều khiển máy tính.

Mặc dù là nạn nhân, Bortz vẫn dằn vặt với việc tự trách mình.

"Giờ tôi hiểu tại sao có quá nhiều vụ lừa đảo người cao tuổi không bao giờ được báo cáo. Bởi khi nhìn lại, bạn lại tự trách mình sao lại ngu ngốc đến thế", Bortz, người đã nghỉ hưu sau một sự nghiệp trong ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bất động sản, cho biết.

Con gái ông, Ave Williams, cho biết cảnh sát địa phương và FBI đã rất nỗ lực trong việc truy tìm kẻ lừa đảo ở nước ngoài và thu hồi tiền, nhưng gặp phải nhiều ngõ cụt.

Gia đình đổ lỗi cho ngân hàng khi đã bỏ qua rất nhiều dấu hiệu cảnh báo và tạo điều kiện thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền lớn trong tám ngày. Ngân hàng phủ nhận hành vi sai trái và vụ kiện của gia đình chống lại ngân hàng đã bị bác bỏ.