Sáng 29/11, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 22,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp, xem xét giải quyết khối lượng lớn công việc đề ra.
Trong xây dựng pháp luật, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường thông tin, tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Đây là năm giữa nhiệm kỳ, nhưng Quốc hội đã rất tích cực, khẩn trương, hoàn thành trên 82% nhiệm vụ xây dựng pháp luật.
Đáng lưu ý, tại kỳ họp này, Quốc hội chưa thông qua 2 dự án Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) . Lý giải về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc này thể hiện tinh thần “cẩn trọng, trách nhiệm” của Quốc hội, vì trong quá trình thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Do vậy, cần có thời gian để xem xét kỹ lưỡng, đánh giá kỹ những tác động từ các chính sách. Bởi nếu không sau này sửa luật sẽ rất khó, ví dụ như Bộ Luật Hình sự trước đây, sau khi thông qua phải sửa.
“Việc chưa thông qua hai dự án luật này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, làm sao để khi luật ban hành phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đảm bảo tính bền vững và không xảy ra xung đột với các luật khác. Không phải vì phải thông qua tại kỳ họp này mà bấm nút, như thế làm cho tính ổn định của luật không dài, do vậy phải lùi thông qua vào thời điểm thích hợp”, ông Cường lý giải.
Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm, vấn đề này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, và có thể sẽ được xem xét tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2024, cùng một số nội dung cấp bách khác theo đề nghị của Chính phủ.
"Trong 6 vấn đề cần đưa ra phương án tối ưu, có phương án về định giá đất. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra nhiều phương án, mỗi phương án đều có những ưu điểm nhất định, cần có thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, trên cơ sở làm sao lựa chọn được phương án tối ưu nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên", đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách trao đổi với phóng viên.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu; đồng thời làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã tập trung vào các nội dung thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm...
Sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến.
Với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng là dự án luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.
Quốc hội đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến: Ngân hàng chính sách; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; bảo mật thông tin; về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, người điều hành; kiểm soát nội bộ; kiểm toán nội bộ…; về tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng, nhất là các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng...
Do tính chất quan trọng, phức tạp của dự án Luật, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng.