HoREA đề xuất các đối tượng mua nhà được vay gói 120.000 tỷ đồng

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.

Cụ thể, để thực hiện Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”, Hiệp hội này đã đề xuất một số giải pháp.

Hiệp hội đề nghị giải pháp đầu tiên để “các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ” lại cũng là giải pháp “phi tín dụng” phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để triển khai thực hiện dự án, để tăng nguồn cung dự án và tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở có đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.

Để thực hiện được giải pháp “phi tín dụng”, tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho các dự án bất động sản, trong đó có dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì phải phát huy hơn nữa “vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ” của Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
Mục 2 Công điện 993/CĐ-TTg.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét “mở rộng hơn” các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng lại gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

8 vướng mắc chủ yếu của thị trường bất động sản

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, HoREA cũng đã nêu 8 vướng mắc lớn của thị trường bất động sản.

Thứ nhất, vướng thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã "có quyền sử dụng đất" phù hợp với quy hoạch do quy định của Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch. Theo đó, đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu (nếu có); trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung.

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, là thủ tục khởi đầu cho chuỗi thủ tục về đầu tư xây dựng, mà "tắc" thì dự án không thể thực hiện tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng khác. Đồng thời cho thấy, việc đưa ra quy định trên chưa thật thấm nhuần tinh thần cải cách thủ tục hành chính, chưa sát với thực tiễn, bởi lẽ trước đây doanh nghiệp được thực hiện song song các thủ tục đầu tư xây dựng, thì nay hầu như phải thực hiện tuần tự, nối tiếp từng thủ tục hành chính một.

Thứ hai, vướng quy định về "đất ở" hoặc "đất ở và đất khác". Đó là yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở; có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư,… Hiện hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không có 100% đất ở hoặc không có đất ở và đất khác không phải là đất ở (tức là chỉ có 100% đất nông nghiệp hoặc chỉ có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) thì đều không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, mặc dù các doanh nghiệp này đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo sự cho phép của Luật Đất đai 2013.

Khó khăn trên bắt đầu từ ngày 1/7/2015 khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, trong khi doanh nghiệp đã bỏ ra chi phí rất lớn để tạo lập quỹ đất. Hiện dự án nhà ở thương mại có 100% đất ở hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng số dự án nhà ở thương mại và đều là dự án rất nhỏ.

Thứ ba, vướng thủ tục "điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000" thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đầu tư. Có hai nguyên nhân đối với vướng mắc này, một là "vướng trần quy mô dân số"; hai là có nhiều "quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000" chưa được cập nhật, điều chỉnh kịp thời.

Thứ tư, vướng thủ tục "định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất, quyết định giá đất" để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án bất động sản, nhà ở thương mại hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phát sinh. Tuy nhiên, hiện Chính phủ đang nỗ lực để ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 44.

Thứ năm, vướng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm ban hành quy định xử lý phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại. Mặc dù tháng 2/2021, Nghị định 148 có hiệu lực nhưng vẫn còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành quy định hướng dẫn thực hiện nên rất nhiều dự án nhà ở thương mại bị "tắc" thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư" hoặc "tắc" thủ tục "định giá đất.

Thứ sáu, vướng do quy định chỉ cho phép chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở thương mại khi "chủ đầu tư chuyển nhượng đã có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng", đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Quy định này chưa bảo đảm "quyền tự chủ kinh doanh" của doanh nghiệp.

Thứ bảy, vướng do Luật Kinh doanh bất động sản không quy định điều chỉnh hành vi "đặt cọc" để giao kết hợp đồng. Điều này phát sinh "kẽ hở" cho giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương" lợi dụng thực hiện hành vi nhận tiền đặt cọc với giá trị lớn nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Thứ tám, vướng một số cơ chế trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội, như: Vướng trong công tác tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; vướng trong việc tiếp cận các cơ chế ưu đãi của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội; vướng do quy định "tiêu chí đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội"; vướng thủ tục "đấu thầu" lựa chọn chủ đầu tư và quy trình đầu tư xây dựng "nhiêu khê" đối với trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

T.M