Gây tranh cãi tại Việt Nam, Mixue tăng tốc thâm nhập vào một thị trường khó nhằn nơi chuỗi Starbucks có 1.800 cửa hàng - Quán cà phê mọc như nấm với giá cực rẻ

Đây là một phép thử quan trọng của các thương hiệu đồ uống “made in China” bao gồm Mixue và Cotti.

Gây tranh cãi tại Việt Nam, Mixue tăng tốc thâm nhập vào một thị trường khó nhằn nơi chuỗi Starbucks có 1.800 cửa hàng - Quán cà phê mọc như nấm với giá cực rẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các chuỗi cửa hàng trà và cà phê Trung Quốc đang tăng tốc thâm nhập vào Nhật Bản - một thị trường cạnh tranh gay gắt để theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa.

Công thức chung: Giá rẻ

Cơ sở Ikebukuro của Mixue Ice Cream & Tea ở Tokyo khai trương vào cuối tháng 6 vừa qua nhộn nhịp vào các buổi chiều trong thời gian gần đây. Chuỗi này đang bán trà với giá 100 yên (khoảng 16.000 đồng) và trà sữa trân châu với giá 360 yên - bằng khoảng 60% giá của đối thủ Gong Cha có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra Mixue còn có kem tươi với giá 160 yên - khoảng 26.000 đồng.

Một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Rikkyo gần đó cho biết: “Tôi đến mua thử vì tò mò bởi mỗi lần đi qua đều có người đứng xếp hàng để mua. Nó có giá rẻ hơn Gong Cha và có vị rất ngon."

Thương hiệu Mixue được thành lập tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào năm 1997 và do Mixue Bingchen điều hành. Mixue đã nhanh chóng được khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng nhờ mức giá cực kỳ phải chăng. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin vào tháng 8 rằng hiện thương hiệu có hơn 30.000 địa điểm trên toàn thế giới bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan,... và trong đó có cả Việt Nam.

Mixue đã làm việc với Able Japan có trụ sở tại Tokyo để triển khai tại nước này và đã mở một cửa hàng gần Tokyo vào tháng 5. Hiện nay có khoảng 5 cơ sở cố định tính đến giữa tháng 10, bao gồm cả ở Tokyo và Osaka.

Ông Fan Chunyi, Giám đốc điều hành của Able Japan cho biết: “Lợi thế của Mixue nằm ở mức giá thấp. Có tiềm năng lớn hơn cho đồ uống làm từ trà so với đồ uống làm từ cà phê ở Nhật Bản. Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng đến khoảng 15 địa điểm vào cuối năm 2023 và lên 1.000 địa điểm vào khoảng năm 2028 - tập trung vào các cửa hàng nhượng quyền."

Gây tranh cãi tại Việt Nam, Mixue tăng tốc thâm nhập vào một thị trường khó nhằn nơi chuỗi Starbucks có 1.800 cửa hàng - Quán cà phê mọc như nấm với giá cực rẻ - Ảnh 2.

Bên cạnh Mixue, Cotti Coffee có cơ sở ở quận Ikebukuro và Hongo của Tokyo, chủ yếu được biết đến với món latte nước cốt dừa. Cơ sở tại Nishi-Ikebukuro hiện đang cung cấp cà phê latte với giá 180 yên, giảm so với mức 570 yên thông thường nhân dịp khai trương.

“Tôi đã nghe nói về nơi này khi đến thăm Trung Quốc và muốn trải nghiệm từ lâu”, một khách hàng 26 tuổi cho biết. "Nó rẻ hơn Starbucks."

Chuỗi giúp giảm chi phí bằng cách cung cấp chỗ ngồi hạn chế và sử dụng hệ thống đặt hàng trên ứng dụng. Với các điểm bán hàng di động nhỏ gọn có nghĩa là bạn sẽ dễ dàng tìm được địa điểm ở trung tâm Tokyo hơn so với một nhà hàng thông thường.

Cotti được thành lập bởi Lu Zhengyao và Qian Zhiya, hai người đồng sáng lập Luckin Coffee. Luckin đã bị hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch Nasdaq do vụ bê bối kiểm toán được phơi bày vào tháng 4 năm 2020.

Cotti đã mở cửa hàng đầu tiên tại thành phố Phúc Châu vào tháng 10 năm 2022. Kể từ đó, cửa hàng này đã vượt xa mức tăng trưởng ban đầu của Luckin trong năm khi mở cửa hàng thứ 6.000 vào ngày 15 tháng 10.

Chuỗi này cũng đang mở rộng ra nước ngoài, mở các cửa hàng ở Hàn Quốc, Indonesia và Nhật Bản vào tháng 8 cũng như ở Canada vào tháng trước. Cotti lên kế hoạch bổ sung thêm các địa điểm ở Tokyo vào cuối năm nay và cũng đã hoàn tất mở một cơ sở ở Osaka.

Tiềm năng và thách thức

Các chuỗi quán cà phê giá cả phải chăng đang có đà tăng trưởng ở Trung Quốc khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng cà phê. Theo iResearch Consulting Group, mức tiêu thụ cà phê hàng năm ở nước này đã tăng gấp đôi sau 5 năm lên 11,3 cốc bình quân đầu người, mặc dù con số này vẫn kém xa so với Mỹ và Nhật Bản,  tuy nhiên vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Thị trường cà phê Trung Quốc đã tăng 6,3 lần từ năm 2013 lên 88,5 tỷ nhân dân tệ ( tương đương 12,1 tỷ USD) vào năm 2022, gấp 4 lần quy mô thị trường Nhật Bản, Euromonitor đưa tin.

Nhiều chuỗi cửa hàng Trung Quốc đã đặt mục tiêu mở rộng toàn cầu ngay từ đầu và coi thị trường trưởng thành của Nhật Bản là nơi thử nghiệm quan trọng.

Nhưng sự cạnh tranh rất gay gắt. Starbucks có hơn 1.800 địa điểm ở Nhật Bản và đang mở thêm khoảng 100 địa điểm mỗi năm. Chuỗi cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven và cửa hàng thức ăn nhanh cũng cung cấp cà phê với giá rẻ hơn.

“Ở Nhật Bản có rất nhiều quán cà phê và rất khó để cạnh tranh”, Fan Chunyi cho biết thêm.

Theo Nikkei Asia