Trái ngược với diễn biến kém khả quan của thị trường chung, cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong lại chứng kiến đà tăng ấn tượng. Đóng cửa phiên 25/7, thị giá NTP tăng mạnh 6,46% dừng ở mốc 61.000 đồng/cp, qua đó thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử gần 18 năm niêm yết trên sàn. Vốn hoá thị trường đạt mức gần 8.700 tỷ đồng, cao hơn tới 77% so với thời điểm đầu năm.
Lợi nhuận quý 2/2024 cao kỷ lục
Đà tăng tốc của NTP được hỗ trợ tích cực bởi kết quả kinh doanh khởi sắc. Doanh nghiệp ngành nhựa này đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.680 tỷ đồng tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 63% đem lại hơn 553 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các khoản chi phí, Nhựa Tiền Phong báo lãi sau thuế 238 tỷ đồng, tăng 86% so với quý 2/2023. Đây đồng thời là mức lãi theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của NTP.
Tính chung 6 tháng đầu năm, NTP ghi nhận 2.629 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Công ty lãi trước thuế 415 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 45% so với thực hiện nửa đầu năm 2023.
Năm 2024, Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu 5.400 tỷ đồng doanh thu và 550 tỷ đồng lãi trước thuế. Sau hai quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của NTP đạt 5.596 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi chiếm tỷ trọng cao lên tới 38% tổng tài sản với giá trị ghi nhận đạt 2.216 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 3.278 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 764 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất tại Nhựa Tiền Phong là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 37,1% vốn. Trong thông báo gần đây nhất của SCIC, đơn vị này có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong theo danh sách thoái vốn nhà nước đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.
"Lấn sân" sang mảng giáo dục, dự thu gần 200 tỷ đồng mỗi năm
Nhựa Tiền Phong được thành lập năm 1960, niêm yết trên sàn HNX năm 2006. Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn/năm. Hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 9 trung tâm phân phối cùng 300 đại lý và trên 16.000 điểm bán hàng trên toàn thị trường.
Trong thời gian tới, Nhựa Tiền Phong lên kế hoạch đầu tư một tổ hợp giáo dục mang tên "Trường phổ thông có nhiều cấp học Tiền phong" tại địa chỉ số 2 An Đà – trụ sở chính của công ty, qua đó bổ sung ngành nghề kinh doanh giáo dục đào tạo.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT cho biết, đây vốn là mảnh đất 64 năm lịch sử gắn với Nhựa Tiền Phong từ ngày thành lập. Trước đó, công ty đã có quy hoạch 1/500 xây dựng tổ hợp thương mại nhưng gặp nhiều vướng mắc và quyết định dừng lại. Nếu không có kế hoạch sử dụng, chính quyền thành phố sẽ thu hồi mảnh đất này để xây dựng khu gửi xe cao tầng. Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong đề xuất kế hoạch xây tổ hợp giáo dục.
Ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ: "Nhiều người băn khoăn về việc Nhựa Tiền Phong không có kinh nghiệm làm giáo dục, tuy nhiên làm được hay không đều là do con người, có ai tự nhiên làm được cái gì, đều phải đi học hỏi".
Chủ tịch Nhựa Tiền Phong cũng quan điểm rằng, việc gọi tổ hợp này là đầu tư ngoài ngành chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
"Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp quốc dân được sinh ra từ nhân dân và một phần cơ ngơi được dựng nên từ công sức của các cháu thiếu niên nhi đồng. Chúng tôi xây trường học là vì nghĩ đến trách nhiệm xã hội, đầu tư cho giáo dục cũng là đầu tư cho tương lai" – Ông Dũng nói.
Theo chia sẻ của Giám đốc tài chính, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua chủ trương, công ty sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo với chính quyền thành phố về dự án. Sơ bộ vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng với 50% được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, doanh thu dự kiến 180-200 tỷ đồng/năm và thu hồi vốn trong khoảng thời gian 8-10 năm.