Chuyển cho kẻ giả danh công an nhiều tỉ đồng: Tại sao nạn nhân mắc bẫy?

Mặc dù nhiều bị hại không khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng giả mạo công an đã dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Từ vụ việc của ông L., Thiếu tá Thanh khẳng định, để làm được điều này, các đối tượng lừa đảo sử dụng thuật ngữ chuyên môn.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, "sập bẫy". Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đã tiếp nhận vụ việc giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Cụ thể, vào ngày 5/4, một phụ nữ ở quận Hà Đông, Hà Nội nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói, căn cước công dân của bà này có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bắt bà. Do lo sợ nên người phụ nữ này đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh.

Theo đó, bà đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, biết bị lừa, người phụ nữ này đã đến cơ quan Công an trình báo.

Rất nhiều vụ tương tự xảy ra, thủ phạm có số điện thoại, có tài khoản để lừa nạn nhân chuyển tiền, nhưng bắt được thủ phạm để trừng trị bằng pháp luật và lấy lại tiền cho nạn nhân là không dễ, vì bọn lừa đảo có nhiều mánh khóe để xóa dấu vết.

Cách đây gần 1 năm, vào tháng 7/2023, cũng với thủ đoạn tương tự, ông N.V.T (SN 1979, ngụ thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đến cơ quan Công an trình báo về việc bị một đối tượng xưng là cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chuyển cho kẻ giả danh công an nhiều tỉ đồng: Tại sao nạn nhân mắc bẫy?- Ảnh 1.

Nạn nhân một vụ giả danh công an lừa đảo, tới trụ sở trình báo. Ảnh: Công an Hà Nội

Theo lời chia sẻ của ông T., đối tượng dùng phần mềm gọi điện thoại Internet giả danh Công an thông báo bị hại có nợ xấu ở ngân hàng, liên quan đường dây mua bán ma túy, rửa tiền nên sắp bị cơ quan chức năng khởi tố và giam giữ. Sau khi đe dọa, đối tượng yêu cầu ông kê khai tài sản bằng cách chuyển 14 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn rồi chiếm đoạt.

Hay mới mới đây nhất, ngày 22/3, Công an TP.HCM tiếp nhận vụ việc ông L. (sinh năm 1962, ngụ TP.Thủ Đức) bị lừa đảo chiếm đoạt 3,6 tỷ đồng. Đối tượng tự xưng là Công an TP.Thủ Đức (TPHCM), thông báo ông có giấy triệu tập của TAND TP Đà Nẵng vì có liên quan đến vụ án ma túy.

Qua theo dõi vụ việc, phân tích thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, để thực hiện hoạt động của mình, các đối tượng lừa đảo thường chuẩn bị rất kỹ càng.

Xây dựng câu chuyện rất thuyết phục

Cụ thể, trước khi tiến hành hoạt động của mình, kẻ lừa đảo thường thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân, bao gồm tên, địa chỉ, thông tin gia đình và thậm chí là các chi tiết tài chính. Điều này giúp họ xây dựng một "câu chuyện thuyết phục" khi liên lạc với nạn nhân. Trong một số trường hợp, chúng còn giả mạo các giấy tờ như thẻ công an để tạo thêm tính xác thực khi cần thiết.

Cụ thể như vụ việc của ông L., ở TP. Thủ Đức. Theo lời chia sẻ của ông L., đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ Công an TP.Đà Nẵng, báo số tài khoản của ông L. có liên quan đến một đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu ông phải làm theo hướng dẫn. Sau đó, người này gọi video call cho ông L..

Qua cuộc gọi video, ông L. được một người đàn ông mặc sắc phục công an, yêu cầu tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Sau đó, ông L. tải ứng dụng, đăng nhập tên mình kèm số điện thoại, địa chỉ nhà, trong danh sách "tội phạm truy nã". Ngày 22/3, ông L. được kết nối Zalo và làm việc với rất nhiều người mặc sắc phục công an tự xưng là Công an TP.Đà Nẵng. Thậm chí có người mặc sắc phục công an xưng là cán bộ của Bộ Công an để được hướng dẫn giúp đỡ, giải oan.

Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng đã dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Từ vụ việc của ông L., Thiếu tá Thanh khẳng định, để làm được điều này, các đối tượng lừa đảo sử dụng thuật ngữ chuyên môn.

“Trong cuộc gọi hoặc khi tiếp xúc trực tiếp, kẻ lừa đảo thường sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành và các thuật ngữ pháp lý để tạo ấn tượng rằng họ thực sự là cảnh sát hoặc nhân viên pháp luật. Điều khiến nhiều nạn nhân “trúng bẫy” là kẻ lừa đảo uyển chuyển sử dụng ngôn từ khiến bị hại sợ hãi bằng cách đe dọa nạn nhân về những hậu quả nghiêm trọng nếu không tuân theo yêu cầu, như bị bắt giữ hoặc điều tra. Sợ hãi là một động lực mạnh mẽ khiến nạn nhân không dám kiểm tra thông tin hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Sau đó, các đối tượng lừa đảo tạo ra một tình huống khẩn cấp, khiến nạn nhân cần phải hành động ngay lập tức để tránh rắc rối pháp lý, từ đó hạn chế khả năng nạn nhân suy nghĩ và kiểm chứng thông tin”- Thiếu tá Thanh phân tích.

Sau khi lừa được nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được cho là thuộc về cơ quan pháp luật để "giải quyết" vấn đề. Giải thích lý do chuyển tiền, chúng thường nhấn mạnh rằng việc chuyển tiền là để đóng tiền phạt, tiền bảo lãnh, hoặc để tránh các rắc rối pháp lý khác. Và sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo thường cắt đứt liên lạc và biến mất.

Công an không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản

Điều đáng nói, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người sập bẫy của các đối tượng. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Chuyển cho kẻ giả danh công an nhiều tỉ đồng: Tại sao nạn nhân mắc bẫy?- Ảnh 2.

Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Bộ Công an cũng lưu ý một đặc điểm nữa mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích là để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo được cho cơ quan Công an.

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự… để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì không làm theo và nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Bộ công an cũng khuyến cáo người dân, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu, hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.