Cảnh báo camera giám sát bị xâm nhập, thu thập, mua bán dữ liệu

Thiết bị camera là một công cụ hiệu quả và được sử dụng phổ biến giúp bảo vệ và giám sát an ninh, tuy nhiên trong thời gian gần đây, camera giám sát đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để xâm nhập, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu; chiếm quyền điều khiển tấn công mạng vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân người dùng gây thiệt hại lớn về vật chất, uy tín.

Cảnh báo camera giám sát bị xâm nhập, thu thập, mua bán dữ liệu- Ảnh 1.

Nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin camera giám sát

Để phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin đối với các thiết bị camera giám sát, mới đây Công an tỉnh Quảng Ninh đã có khuyến cáo đối với người dùng camera giám sát thực hiện như sau:

- Chọn camera có thương hiệu với tính bảo mật cao từ các nhà sản xuất có uy tín (có thể tham khảo Quyết định số 724/QĐ-BTTTT, ngày 07/5/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát); sử dụng phần mềm quản lý thiết bị chính hãng; đảm bảo phần mềm sử dụng luôn được cập nhật và là phiên bản phần mềm mới nhất.

- Không lắp đặt camera tại các khu vực nhạy cảm và riêng tư.

- Không sử dụng tài khoản, mật khẩu khởi tạo mặc định; Cài đặt, sử dụng mật khẩu mạnh (mật khẩu phải có độ dài tối thiểu 8 ký tự, có chữ hoa, chữ thường, chữ số, ký tự đặc biệt) để truy cập, không đặt mật khẩu dễ đoán liên quan đến thông tin cá nhân, cơ quan, tổ chức; Bật các tính năng bảo mật nâng cao như xác thực 2 lớp, mã hoá dữ liệu.

- Lưu trữ dữ liệu camera trên thiết bị lưu trữ ngoài an toàn hay dịch vụ đám mây an toàn, đảm bảo rằng dữ liệu được mã hóa và chỉ truy cập được bởi người dùng có quyền.

- Sử dụng môi trường mạng an toàn khi truy cập vào thiết bị camera.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra định kỳ nhật ký camera để đảm bảo rằng vẫn hoạt động bình thường và không bị xâm nhập.

Hành vi xâm nhập camera giám sát có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm

Theo luật sư cho biết, hành vi xâm nhập hệ thống camera của người khác có thể bị khởi tố tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Nếu sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an xác định có tình tiết "có tổ chức" thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồn đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.

Cụ thể, Điều 289 Bộ Luật Hình sự quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác như sau:

1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;

e) Tái phạm nguy hiểm.