Cảnh báo các ứng dụng giả mạo khiến nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản

Bằng nhiều kịch bản tinh vi, những kẻ gian đã chiếm đoạt tiền của không ít người, trong đó có người đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều nạn nhân tiếp tục bị các đối tượng mạo danh cán bộ công an gọi điện lừa cài đặt ứng dụng công giả mạo, chiếm đoạt số tiền lớn.

Nhiều người mất tiền vì cài ứng dụng giả mạo

Cụ thể, đầu tháng 4/2024, chị C. (SN 1980, ở Hà Nội), nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), yêu cầu cài đặt định danh mức độ 2.

Do bận công việc, nên chị không đến được trụ sở cơ quan công an và đối tượng gợi ý sẽ có cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công. Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo, chị C. đã bị mất quyền điều khiển điện thoại và bị rút mất hơn 200 triệu đồng trong tài khoản.

Cảnh báo các ứng dụng giả mạo khiến nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản- Ảnh 1.

Một ứng dụng mạo danh cơ quan Nhà nước lừa đảo.

Cảnh báo các ứng dụng giả mạo khiến nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản- Ảnh 2.

Ứng dụng mạo danh phần mềm Bộ Công an (Ảnh: Bộ Công an)

Công an TP. Hà Nội cho biết, các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Sau khi chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an TP. Hà Nội, nạn nhân các đối tượng nhắm tới thường là những người cao tuổi ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Công an TP. Hà Nội dẫn chứng, "Đơn cử như ông V. (trú quận Long Biên, TP. Hà Nội) sau khi truy cập đường dẫn do 'cán bộ công an phường giả mạo' cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để "bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục" đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền."

Một trường hợp khác là bà A. (trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) được một người đàn ông gọi điện xưng là "cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng" yêu cầu 10h sáng lên công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. "Do bà A. bận nên được 'cán bộ công an quận giả mạo' hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng Dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, đối tượng đã chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của bà A.", Công an TP. Hà Nội thông tin.

Trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng. Trong đó, bị hại bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng, ít nhất là 252 triệu đồng.

Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại.

Đồng thời, cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).

Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội còn khuyến cáo người dân nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.

BHXH cảnh báo ứng dụng giả mạo VssID

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khuyến cáo người dùng cảnh giác trước các hình thức lừa đảo liên quan đến ứng dụng bảo hiểm số VssID.

Thông tin cho biết, trên TikTok thời gian gần đây xuất hiện tài khoản "VssID - Hỗ trợ BHXH", đăng tải các video hướng dẫn lấy lại mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng quên hoặc thất lạc.

Cảnh báo các ứng dụng giả mạo khiến nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản- Ảnh 3.

Cảnh báo các hình thức lừa đảo liên quan ứng dụng VssID giả mạo. (Ảnh: Cục ATTT)

Kênh này thậm chí còn quảng bá dịch vụ trả phí để thay đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ... kèm các ưu đãi hấp dẫn.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội khẳng định dịch vụ mà kênh TikTok cung cấp là trái pháp luật. Theo quy định, người dân hoàn toàn không mất phí khi cấp lại mật khẩu hoặc thay đổi thông tin cá nhân của tài khoản VssID.

Bên cạnh mạng xã hội TikTok, đối tượng lừa đảo còn chủ động gọi điện để tiếp cận nạn nhân. Ngày 9/5, anh T.H.T. (ngụ phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận cuộc gọi có đầu số 0924.635.xxx.

Đối tượng tự xưng là cán bộ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, yêu cầu cầu anh T. đồng bộ dữ liệu căn cước công dân. Người gọi nói rằng anh có thể đồng bộ trực tuyến qua ứng dụng VssID mà không cần đến cơ quan.

Do nghi ngờ lừa đảo, anh T. chủ động liên hệ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai để xác minh thông tin. Sau khi kiểm tra, cơ quan cho biết không có cán bộ với đầu số điện thoại như trên.

Trước tình hình lừa đảo diễn biến phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi gặp những dịch vụ liên quan đến VssID trên mạng xã hội. Chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống, hoặc trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.

Ngoài ra, người dân chỉ nên tải VssID thông qua Play Store (hệ điều hành Android) và App Store (iOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ đường link lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ "cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định" trên smartphone.