Các dịch vụ tạo nhạc ứng dụng AI bị kiện vi phạm bản quyền

Một số hãng thu âm lớn trên thế giới đã kiện các dịch vụ tạo nhạc Suno và Udio, cáo buộc các công ty khởi nghiệp này vi phạm bản quyền của các nghệ sĩ hàng đầu khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các bản nhạc theo phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng mà không được phép.

Các dịch vụ tạo nhạc ứng dụng AI bị kiện vi phạm bản quyền- Ảnh 1.

Một số hãng thu âm lớn trên thế giới đã kiện các dịch vụ tạo nhạc Suno và Udio. Ảnh: aialmanac.substack.com

Sony Music Entertainment, Warner Records, Capitol Records và các công ty khác đã đệ đơn kiện tại các tòa án liên bang Mỹ ngày 25/6, trong đó kiện Suno ở Boston và kiện Udio tại New York. Các hãng này yêu cầu Suno và Udio bồi thường thiệt hại lên đến 150.000 USD cho mỗi bài hát vi phạm bản quyền hoặc chia sẻ lợi nhuận của hai dịch vụ tạo nhạc này.

Trong đơn kiện Suno, nguyên đơn cáo buộc Suno cho phép người dùng tạo ra các bài hát bắt chước các tác phẩm có bản quyền của các nghệ sĩ Chuck Berry, James Brown, Michael Buble, ABBA...

Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành thu âm Mỹ (RIAA) Mitch Glazier cho rằng các dịch vụ sao chép các tác phẩm của nghệ sĩ và khai thác để kiếm lời mà không được phép hay trả tiền như Suno và Udio có thể làm xói mòn cam kết về AI thực sự mang tính sáng tạo.

Hiện Suno và Udio chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên.

Hồi tháng 4 năm nay, hàng trăm nghệ sĩ và nhạc sĩ đã ký vào môt bức thư ngỏ được tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Quyền Nghệ sĩ công bố, trong đó kêu gọi các nhà phát triển AI, các công ty công nghệ, các nền tảng số và dịch vụ âm nhạc số chấm dứt sử dụng AI vi phạm các quyền của người sáng tạo và phá hủy hệ sinh thái âm nhạc.