Biết cách sống cùng AI

Kể từ khi startup công nghệ OpenAI (Mỹ) vào ngày 30-11-2022 chính thức đưa ra thị trường ChatGPT, ứng dụng AI đầu tiên được phổ cập rộng rãi. Con người bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mà AI đã đi vào nhiều ngõ ngách của cuộc sống.

Các "ông lớn" công nghệ đổ tiền phát triển hàng loạt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) làm các cỗ máy cho các ứng dụng AI. Theo TechTarget, đến tháng 4-2024, thế giới có hàng chục mô hình LLM, trong đó được đánh giá cao như dòng GPT của OpenAI; Gemini, Gemma, BERT, Lamda, Palm của Google; Llama của Meta; Orca, Phi-1 của Microsoft… Kho dữ liệu mà các LLM này được đào tạo đa dạng từ 1 tỉ tham số (như của Falcon 1B), tới hơn 170 tỉ tham số (GPT-3, GPT-4, StableLM); thậm chí 540 tỉ tham số (Palm). Số lượng tham số càng lớn, AI càng thông minh.

Sau ChatGPT, dựa trên các mô hình LLM, các ứng dụng AI ồ ạt ra đời như nấm sau mưa. Theo Content at Scale, tính đến tháng 3-2023, trên thế giới đã có hàng trăm ngàn công cụ AI. Riêng ở Mỹ, đã có 14.700 startup về AI. Các ứng dụng được nhiều người dùng như ChatGPT, Midjourney, Gemini (Bard), Copilot, Bing AI… Có những ứng dụng AI ẩn trong những ứng dụng khác (như Google Maps, các trợ lý ảo cá nhân…) hay trong những phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị.

Chỉ riêng với ứng dụng ChatGPT, vào đầu năm 2023, có hơn 100 triệu người dùng hằng tháng. Thống kê công bố tháng 5-2024 trên Exploding Topics, có 35% số công ty trên thế giới đã sử dụng các dịch vụ AI và 83% số tổ chức được khảo sát cho biết việc ứng dụng AI là một ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược kinh doanh của họ. Hãy nghe giới thiệu về thế hệ mới nhất của mô hình GPT là GPT-5. Theo đó, GPT-5 sẽ là mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến mang lại cảm giác như bạn đang giao tiếp với một người chứ không phải một cỗ máy. Mô hình GPT-5 sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn với sự chính xác lớn hơn, nhờ kiến thức chung rộng lớn hơn và các năng lực giải quyết vấn đề của nó.

Không ai phủ nhận những lợi ích mà AI đem lại phục vụ con người. Tuy nhiên, chúng như con dao hai lưỡi, tốt hay xấu, lợi hay hại tùy vào người sử dụng, tiềm ẩn những hậu quả khôn lường nếu như AI nằm trong tay kẻ xấu. Đó là lý do mà trước khi các công cụ AI ra đời, các chuyên gia đã khuyến cáo các cơ quan quản lý, từ cấp chuyên ngành tới cấp quốc gia rồi khu vực và toàn cầu, sớm đưa ra những hướng dẫn và hành lang pháp lý để quản lý chặt "con ngựa bất kham" AI. Nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong kỷ nguyên AI vẫn luôn là "AI có trách nhiệm".