10 biện pháp giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến

- Tại Việt Nam, thời gian qua, vấn nạn lừa đảo trực tuyến không ngừng lan rộng, với những hình thức lừa đảo trên mạng liên tục được biến đổi, tinh vi và phức tạp hơn. Bên cạnh cảnh báo về một số phương thức tội phạm mạng sử dụng để lừa đảo trực tuyến, mới đây, Cục Thông tin cơ sở và Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra 10 biện pháp giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay để tuyên truyền tới người dân.

Bảo vệ thông tin cá nhân

Biện pháp đầu tiên người dân được khuyến nghị để phòng tránh bẫy lừa đảo là không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội. Thực hiện việc này sẽ giúp người dân tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thông tin vào mục đích lừa đảo. Người dân cần chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai trên mạng xã hội.

10 biện pháp giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến- Ảnh 1.

Một trong những biện pháp đầu tiên được kế đến đó là bảo vệ thông tin cá nhân.

Kiểm tra và cập nhật

Người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên. Các thông tin người dân cần lưu ý bảo mật gồm có: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng… Những thông tin này người dân không nên cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, khi chưa xác định được danh tính.

Cẩn trọng xác minh

Cẩn trọng xác minh cũng là một biện pháp người dân cần thực hiện. Cụ thể như, với các tin nhắn hỏi vay tiền qua mạng xã hội, người dân cần trực tiếp gọi điện thoại cho người vay để xác nhận kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.

Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn hoặc quà có giá trị lớn.

Trình báo cơ quan công an gần nhất

Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan đến vụ án, vụ việc, người dân cần liên lạc ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình bảo.

Cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch

Người dân không nên truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ không rõ nguồn gốc; Không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng… cho các đối tượng lạ.

Cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn

Người dân không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng…; Đặc biệt là, không nghe theo lời các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Người dân cũng cần cảnh giác trước các thông tin thông báo nhận thưởng qua mạng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng.

Cẩn trọng khi cài ứng dụng, phần mềm

Người dân không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực. Trường hợp phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, người dân cần liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu bị mất điện thoại, người dân cần nhanh chóng báo cho nhà mạng để khóa SIM kịp thời.

Quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng

Người dân không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Cẩn trọng đối với các website, ứng dụng giả mạo

Người dân tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, hay giả mạo website ngân hàng.