Xuất khẩu cá tra khởi sắc

Nhờ có chiến lược truyền thông tốt, hình ảnh sản phẩm cá tra của Việt Nam đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, xuất khẩu các sản phẩm cá tra thời gian qua liên tục tăng, tạo bước đột phá mới. Năm nay, cá tra Việt Nam cũng đang nhận được nhiều trợ lực từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Xuất khẩu cá tra khởi sắc- Ảnh 1.

Chế biến sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Trần Hân. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia về thị trường cá tra của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở 1 số thị trường; trong đó, có khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Không những vậy, cá tra Việt Nam còn khởi sắc ở một số thị trường truyền thống mang lại khi mà xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2024; trong đó, phải kể đến các thị trường tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và các quốc gia tại thị trường Tây Á, cùng với các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi, ngay cả lúc Hiệp định Thương mại tự do CEPA đang trong giai đoạn đàm phán và chưa ký kết.

Theo thống kê của hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm cá tra lớn nhất tại thị trường các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, khoảng 40-50% tổng nguồn cung cá tra và thị trường này. Ước tính đến cuối tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất ước đạt hơn 15 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, không riêng thị trường các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, mà thị trường Trung Quốc thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng được các doanh nghiệp đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc trong 7 tháng năm 2024.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Nam Việt chia sẻ, thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nam Việt cũng không ngoại lệ. Trong 7 tháng năm 2024, lợi nhuận từ xuất khẩu cá tra của thị xã Nam Việt ước đạt hơn 60 tỷ đồng.

Thủy sản Nam Việt đã mở rộng thành công thêm khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, thủy sản Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc. Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5 - 2 kg) mà toàn ngành cá tra Việt Nam gặp phải trong 9 tháng đầu năm nay; đây cũng là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm có tra chế biến, việc tận dụng các phế phẩm cá tra để tạo nên những sản phẩm giá trị cao cũng được các doanh nghiệp chế thuế xuất khẩu cá tra tận dụng triệt để. Theo đó, sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra hiện đang được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Bà Trần Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT  tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết: Hiện tại, Mỹ, Đức, Nhật, Canada là những nước đứng đầu về nhập khẩu về cả sản phẩm collagen và gelatin (C&G) dạng bột trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu C&G dạng bột nhiều nhất.

Giá bán Collagen và gelatin (C&G) dao động trong khoảng 7 - 9 USD/kg ở các nước nhập khẩu chính. Vĩnh Hoàn kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: Bán nguyên liệu và bán sản phẩm với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy. Đối với ngành chế biến thuỷ sản, việc tối ưu hoá được sản xuất, khép kín, không để tồn kho giúp doanh nghiệp tối ưu hoá được lợi nhuận. Khi đó, các chi phí khác như lao động, điện nước… có thể tăng nhưng tổng hoà chi phí không tăng, như vậy mới có thể cạnh tranh trên thị trường.