Vacxin dịch tả lợn Châu Phi do Dabaco nghiên cứu cho kết quả bảo hộ lên đến 80 - 100%

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So cho biết, tập đoàn đã triển khai tiêm khoảng 300.000 liều vacxin Dacovac-ASF2 cho các trang trại lợn nội bộ và đạt kết quả tốt, an toàn với hiệu lực bảo hộ 80 - 100% trên đàn lợn được tiêm.

Ngày 12/7 tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với Tập đoàn Dabaco Việt Nam về tiến độ sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi và tình hình sản suất, chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2024.

Báo cáo Đoàn công tác, lãnh đạo Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Dabaco phát triển tốt và duy trì được đà tăng trưởng bền vững.

Trong đó, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến trong năm 2024 đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, sản lượng gà giống cung cấp ra thị trường dao động 60 - 70 triệu con, đàn lợn nái hiện duy trì trên 50.000, năng suất đạt trung bình 32-34 con/nái/năm.

Hiện, Tập đoàn Dabaco đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn và Quảng Ninh để nâng tổng đàn lợn nái lên khoảng 60.000 con và gấp rút hoàn thiện dự án nâng cấp mở rộng nhà máy ép dầu thực vật khoảng giữa năm 2025.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2 tại Nhà máy sản xuất vacxin Dacovet tại Cụm công nghiệp Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.

photo-1720878911400

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2 tại Nhà máy sản xuất vacxin Dacovet tại Cụm công nghiệp Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.

Vacxin Dacovac-ASF2 cho kết quả bảo hộ 80-100%

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 40.500 con lợn, tăng 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Virus dịch tả lợn Châu Phi có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn, với tỷ lệ chết lên đến 100%, do đó việc phát triển thêm loại vacxin hiệu quả, an toàn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Chủ tịch HĐQT Dabaco Nguyễn Như So chia sẻ, đến nay doanh nghiệp đã triển khai tiêm khoảng 300.000 liều vacxin Dacovac-ASF2 cho các trang trại lợn nội bộ của Tập đoàn. Qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt, kiểm tra kháng thể sau tiêm vacxin đạt kết quả tốt, an toàn và hiệu lực bảo hộ 80 - 100% trên đàn lợn được tiêm.

Bên cạnh tiêm đầy đủ vacxin cho đàn lợn, ông So lưu ý, phải đặc biệt sát sao trong việc lựa chọn độ tuổi vàng để tiêm cho đàn lợn. Hoạt động tiêm vacxin phải được tiến hành trước thời điểm virus xâm nhập trang trại, khi đó hiệu quả bảo hộ của vacxin mới đạt mức cao nhất.

Cũng theo ông Nguyễn Như So, việc Dabaco tham gia lĩnh vực sản xuất vacxin là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái khép kín của doanh nghiệp. Đó là mô hình 3F (Feed - Farm - Food) đơn vị đang theo đuổi xuyên suốt, nay cộng thêm việc nghiên cứu, sản xuất thành công vacxin phục vụ chính mình và người chăn nuôi đã giúp Dabaco hoàn thiện hệ sinh thái từ con giống, thức ăn, trang trại, vacxin và chế biến.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với việc sản xuất thành công vacxin Dacovac-ASF2, Dabaco là doanh nghiệp thứ 3 tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi, góp phần giải tỏa nỗi lo khi dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát tại nhiều địa phương trong nước và trên thế giới.

Vacxin Dacovac-ASF2 được các nhà khoa học đánh giá, kết luận giúp kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi từ thực địa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc giữ được đầu lợn, hạn chế thiệt hại, góp phần giữ ổn định giá lợn hơi và chỉ số tiêu dùng CPI.

photo-1720878937813

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra đàn lợn tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2 tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Rút ngắn thời gian để thương mại hoá vacxin Dacovac-ASF2

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So mong muốn nhận được sự hỗ trợ sát sao từ các đơn vị của Bộ NN-PTNN, đặc biệt là Cục Thú y, trong việc công nhận tiêu chuẩn GMP cho nhà máy sản xuất vacxin Dacovet của Tập đoàn.

Với công suất thiết kế 200 triệu liều vacxin mỗi năm, việc Nhà máy Dacovet đạt chuẩn GMP đi vào hoạt động sẽ giúp việc sản xuất thương mại vacxin Dacovac-ASF2 đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vacxin sang các quốc gia có nhu cầu lớn về chăn nuôi lợn.

Tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) là điều kiện quan trọng và bắt buộc với các nhà máy tham gia quá trình sản xuất và kinh doanh dược và vacxin. Đạt chuẩn GMP cũng là minh chứng khẳng định tính chuyên nghiệp, uy tín của nhà máy. Nhà máy đạt chuẩn GMP cũng thay lời cam kết những sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng đăng ký và an toàn khi sử dụng.

Báo cáo về tiến độ thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Dược và Thú y Dacovet cho biết: Trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý của nghiên cứu cũng cơ bản hoàn thiện.

Việc đánh giá cấp giấy chứng nhận GMP/GLP/GSP cho nhà máy cũng đang được khẩn trương hoàn thiện các công đoạn cuối để phục vụ cho việc đăng ký lưu hành vacxin.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để Dabaco sớm được công nhận GMP, từ đó thương mại hoá vacxin Dacovac-ASF2 tại nhà máy mới. Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá rất cao sự nỗ lực của Tập đoàn trong việc nghiên cứu phát triển vacxin, tạo ra hy vọng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Việc thành công trong sản xuất vacxin phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi không chỉ giúp giải quyết bài toán an ninh lương thực trong nước mà còn mở ra cơ hội lớn cho Dabaco trên thị trường quốc tế.

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Cục Thú y và phía Dabaco phối hợp chặt chẽ, có vướng mắc gì tháo gỡ luôn, có điều kiện nào còn thiếu tập trung nhân lực, nguồn lực hoàn thiện ngay, cố gắng rút ngắn thời gian để thương mại hoá vacxin dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2 trong thời gian sớm nhất.