Ngày 16/7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, do Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương chủ trì.
Cùng tham dự Hội nghị còn có Ban Lãnh đạo, đại diện Đảng ủy UBCKNN, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc UBCKNN; đại diện lãnh đạo Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK Hà Nội (HNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Qua 6 tháng đầu năm 2024, các giải pháp chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng trưởng ổn định, an toàn, minh bạch và thanh khoản được duy trì cao.
Tính đến cuối tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng +10,2% so với cuối năm trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường cổ phiếu (HOSE, HNX, UPCoM) trong 6 tháng đạt 24.598 tỷ đồng/phiên, tăng +39,9% so với bình quân năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tạingày 28/6/2024 đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tăng +19% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.
Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào cuối tháng 6/2024.
Cũng trong 6 tháng 2024, thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu chính phủ đều hoạt động ổn định và duy trì thanh khoản tích cực.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô trong nước hồi phục tích cực đã hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của hầu hết các công ty niêm yết và công ty đăng ký giao dịch quy mô lớn đạt kết quả khả quan, với tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng +3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành của UBCKNN, Ủy ban đã đảm bảo tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trên nhiều lĩnh vực công tác như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán; hoạt động chào bán chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, kiểm soát chất lượng kiểm toán; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm; hợp tác đối ngoại; và thông tin, tuyên truyền…
Bên cạnh đó, UBCKNN đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, tích cực, quyết liệt, triển khai các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng. Những nỗ lực, giải pháp đề ra của cơ quan quản lý đã được các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường… đánh giá tích cực.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong đó có sự nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc UBCKNN, các Sở GDCK và VSDC trong công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBCKNN đề nghị các đơn vị của UBCKNN và các Sở GDCK, VSDC tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, phối hợp hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán. Theo đó, các đơn vị cần bám sát kế hoạch, giải pháp đã đề ra để triển khai hiệu quả các mặt công tác, trong đó chú trọng tới 6 mục tiêu trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai Chương trình hành động của UBCKNN thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thứ hai, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ tư, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thứ năm, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Và thứ sáu, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam.