Trái phiếu doanh nghiệp: Bước đầu khơi thông dòng vốn

(Chinhphu.vn) - Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trái phiếu có chất lượng được giao dịch sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia, giúp khơi thông dòng vốn cho các thị trường, đồng thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi thời gian đáo hạn đã đến gần.

Gỡ được "nút thắt" đáo hạn sắp tới

Theo số liệu của Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX, có 116.500 tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023. Trong tháng 7 này, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19.400 tỷ đồng.

Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì trong 6 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn sẽ dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt 32.6000 tỷ đồng, tiếp theo là tháng 12 với 24.400 tỷ đồng.

Còn theo số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, bất động sản là nhóm có tỉ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III/2023; thứ hai là nhóm tài chính - ngân hàng với tỉ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.

Thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, khả năng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của các doanh nghiệp còn hạn chế do nhiều tổ chức phát hành vẫn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và nguồn vốn. Việc có thể đàm phán để gia hạn các trái phiếu sắp đến hạn với các nhà đầu tư cũng còn khó khăn, nhất là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng việc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay, đồng thời giúp các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả từ thị trường trái phiếu này, giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng.

Việc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn cho thấy bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể được bán trái phiếu doanh nghiệp của mình một cách công khai, bất cứ lúc nào, thay vì như trước đây phải chờ đến khi đáo hạn, hay phụ thuộc vào việc doanh nghiệp phát hành, hoặc công ty chứng khoán có mua lại hay không.

Như vậy, khi thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ hoạt động trên sàn giao dịch sẽ có nhiều người mua hơn, với mức giá công khai. Việc này được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp về dòng vốn nói riêng và khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích, với việc các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn thì yếu tố minh bạch sẽ rõ ràng hơn. Trước khi giao dịch, người mua và người bán đều biết rõ tất cả thông tin về trái phiếu. Các tổ chức phát hành có trách nhiệm công bố thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin để chào bán trái phiếu.

Khơi thông dòng vốn đang bế tắc

Năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua nhiều biến động. Những sai phạm xảy ra ở một số doanh nghiệp đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu tổng hợp của VNDirect, đến nay, chỉ có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ.

Hoạt động phát hành riêng lẻ rơi vào trạng thái trầm lắng thời gian qua có nguyên nhân là niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về nguồn vốn dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Như vậy, việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dự kiến chính thức vận hành vào ngày 19/7 với hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn, có thể sẽ giúp tăng lưu thông nguồn vốn ở thị trường này. Cụ thể, hệ thống sẽ có năng lực xử lý khoảng 15.000-20.000 lệnh mỗi giây, tương ứng 20-30 triệu lệnh mỗi phiên.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho rằng mặc dù trái phiếu doanh nghiệp lên sàn nhưng vẫn sẽ có những rủi ro mà nhà đầu tư cần phải chấp nhận. Đó là nhà đầu tư cần phải coi trái phiếu doanh nghiệp như một sản phẩm chứng khoán chứ không phải là một khoản tiền gửi tiết kiệm có thu nhập cố định như trước kia. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có một tâm thế chấp nhận rủi ro so với kỳ vọng lãi suất hay lợi tức đã được niêm yết.

Ngoài ra, chúng ta cũng không thể kỳ vọng là khi sàn này đi vào hoạt động thì ngay lập tức các nhà đầu tư sẽ "nhảy" vào mua để và giúp "phá băng thanh khoản". Bởi "phá băng thanh khoản" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định chưa, dòng tiền của các nhà đầu tư có sẵn sàng đầu tư vào chưa, rồi mức độ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đến đâu, sản phẩm trái phiếu này đủ tốt chưa… Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp này là bước đầu để có một thị trường an toàn, minh bạch.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục là do sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Chính những chính sách sát với thực tế đã giúp thị trường không bị đổ vỡ và quay trở lại hoạt động có hiệu quả. 

Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, chúng ta cũng không thể đòi hỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp 800.000 tỷ đồng này được giao dịch một cách "xôm tụ ngay tức khắc". 

Về phía Chính phủ, là bên tạo ra "nơi mua bán này" nhưng cũng không thể quy trách nhiệm rằng "Chính phủ phải bảo đảm trái phiếu doanh nghiệp này tốt, các nhà đầu tư phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu nào", vì Chính phủ không chịu trách nhiệm về giao dịch của nhà đầu tư.

Giang Oanh (thực hiện)