Thị trường ô tô Đông Nam Á: Một nơi ‘nhỏ nhưng có võ’ khi tiêu thụ tăng trưởng 5 tháng liên tiếp, Việt Nam xếp thứ hạng bao nhiêu?

Trong khi tiêu thụ ô tô đều có xu hướng giảm tại Đông Nam Á, quốc gia này lại tăng trưởng 70,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường ô tô Đông Nam Á: Một nơi ‘nhỏ nhưng có võ’ khi tiêu thụ tăng trưởng 5 tháng liên tiếp, Việt Nam xếp thứ hạng bao nhiêu?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, Hiệp hội sản xuất ô tô Đông Nam Á (AAF) đã công bố báo cáo về thị trường ô tô trong khu vực trong 5 tháng đầu năm 2024. Đây là báo cáo theo dõi về mức tiêu thụ và sản lượng sản xuất xe của các quốc gia bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Về tình hình tiêu thụ xe ô tô tại các nước, Indonesia tiếp tục là thị trường tiêu thụ hàng đầu tại ĐNÁ với 334.969 chiếc, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng thứ 2 là Malaysia với 328.901 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường ô tô Đông Nam Á: Một nơi ‘nhỏ nhưng có võ’ khi tiêu thụ tăng trưởng 5 tháng liên tiếp, Việt Nam xếp thứ hạng bao nhiêu?- Ảnh 2.

Thái Lan là quốc gia tiêu thụ ô tô đứng thứ 3 với 260.009 chiếc, giảm 23% so với năm trước. Đứng thứ 4 là Philippines với mức tăng trưởng 12,6%, đạt 187.191 chiếc.

Cũng trong báo cáo này, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5 về tiêu thụ ô tô với 108.309 chiếc, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xếp sau Việt Nam là Singapore với 18.591 chiếc, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Myanmar là thị trường có mức tiêu thụ ô tô thấp nhất Đông Nam Á khi chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm quốc gia này tiêu thụ 1.601 chiếc xe ô tô, tăng mạnh 70,5% - mức tăng trưởng cao nhất khu vực dù chiếm số lượng nhỏ nhất.

Thị trường ô tô Đông Nam Á: Một nơi ‘nhỏ nhưng có võ’ khi tiêu thụ tăng trưởng 5 tháng liên tiếp, Việt Nam xếp thứ hạng bao nhiêu?- Ảnh 3.

Kể từ đầu năm đến nay, tiêu thụ ô tô tại Myanmar tăng trưởng theo từng tháng, đặc biệt trong tháng 2, quốc gia này chứng kiến mức tăng trưởng đến 131%. Trong năm 2023, quốc gia này đã tiêu thụ 3.357 chiếc ô tô, giảm 53% so với năm 2022.

Theo báo cáo, những thách thức trong bối cảnh xung đột của Myanmar, đối với lĩnh vực ô tô, vào giữa năm 2022, lực lượng quân sự đã quyết định cấm các mẫu ICE để hỗ trợ việc giới thiệu nhanh chóng xe điện, nhờ mối quan hệ tốt với chính phủ Trung Quốc.

Hiệu quả ngay lập tức là thị trường sụt giảm đáng kể, gây khó khăn cho các công ty đã đầu tư để sản xuất tại địa phương như Suzuki và Toyota. Bắt đầu từ nửa cuối năm 2023, doanh số bán xe điện – tất cả đều nhập khẩu từ Trung Quốc – bắt đầu tăng lên, làm hồi sinh thị trường. Số lượng xe điện ở Myanmar đã tăng hơn 6 lần trong một năm do chính quyền quân sự miễn thuế cho xe điện và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với ô tô chạy bằng xăng.

Các phòng trưng bày xe điện mới đã mọc lên ở thủ đô kinh tế Yangon. Một số bán các nhãn hiệu Trung Quốc như BYD, Neta, MG, trong khi một số khác trống rỗng ngoại trừ biển hiệu chỉ ghi xe điện. Theo ban chỉ đạo phát triển xe điện quốc gia của chính quyền, khoảng 85 công ty hiện có giấy phép kinh doanh liên quan đến xe điện. Các phòng trưng bày không có thương hiệu đại diện cho các nhà khai thác đang chuẩn bị bước vào ngành xe điện.

Bất chấp những vấn đề này và những dự đoán trước đó, thị trường vẫn tăng nhẹ 6,9% sau quý đầu tiên của năm. 3 thị trường dẫn đầu là BYD đứng đầu với doanh số 328 chiếc, chiếm 36,4% thị phần. Theo sát phía sau là MG và Neta với thị phần tương ứng là 22,8% và 17,7%.

Thị trường ô tô Việt Nam đang diễn biến ra sao?

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 134.884 chiếc, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xe du lịch đạt giảm 3%; xe thương mại tăng 2% và xe chuyên dụng giảm 4%. Đáng chú ý, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 15%, trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy, thị trường ô tô Việt đã gặp nhiều khó trong nửa đầu năm 2024 dù nhiều hãng xe và đại lý liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, ưu đãi kích cầu và ra mắt không ít sản phẩm mới.

Trong nửa cuối năm 2024, bên cạnh thông tin về việc có thể được giảm 50% lệ phí trước bạ thì các hãng xe cũng đã tung ra thêm nhiều chiến dịch khuyến mại để kích cầu tiêu dùng ngay từ tháng 7/2024. Honda đưa ra chiến dịch giảm giá hàng trăm triệu đồng cho một vài mẫu xe, Suzuki cũng đã tung ra chiến dịch giảm giá mẫu Subaru Forester 2023 khá mạnh với phiên bản 2.0 iS EyeSight được giảm đến 250 triệu đồng. Mitsubishi đang áp dụng chính sách khuyến mãi lớn cho 2 mẫu được ưa chuộng trên thị trường như Outlander với ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, tặng camera 360 độ trị giá 20 triệu đồng cho 2 phiên bản 2.0 CVT và 2.0 CVT Premium.

Về những thông tin giảm phí trước bạ 50%, gần đây nhất Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính cũng cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong hồ sơ này. Về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo Nghị định. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.

Cụ thể, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước;

Phương án 2: giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023.

Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.

Tuy nhiên, để ứng phó với việc vi phạm cam kết quốc tế như các bộ đã nêu, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.