Tham vọng vượt công trình lớn nhất thế giới của Trung Quốc, láng giềng Việt Nam chi 40 tỷ USD xây siêu dự án gây choáng

Siêu cảng container tự động 40 tỷ USD đang được láng giếng Việt Nam xây dựng, dự kiện vượt cảng lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

Tham vọng vượt công trình lớn nhất thế giới của Trung Quốc, láng giềng Việt Nam chi 40 tỷ USD xây siêu dự án gây choáng- Ảnh 1.

Vào năm 2019, Singapore khởi công xây siêu cảng biển Tuas trị giá 40 tỷ USD, đây sẽ là cảng container tự động lớn nhất thế giới khi đi vào vận hành năm 2040. Siêu cảng Tuas sẽ giúp nâng gấp đôi công suất cảng hàng năm của Singapore, từ mức hiện nay 36 triệu TEU (1 TEU tương đương một container tiêu chuẩn). Cảng Tuas sẽ thay thế các cảng ở Tanjong Pagar, Pasir Panjang, Keppel và Pulau Brani.

"Tuas được thiết kế để tiếp nhận 65 triệu TEU, nhưng tôi chắc rằng PSA (nhà vận hành cảng biển Singapore) có thể tiếp nhận nhiều hơn nếu chúng ta làm việc chăm chỉ", Thủ tướng Singapore nói tại lễ khởi công.

Quá trình xây dựng dự án Tuas được chia thành 4 giai đoạn, với tổng mức đầu tư lên tới 40 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 với 414 ha (thực hiện xây 2 cầu cảng đón khoảng 20 triệu TEU) đã hoàn thành vào cuối năm 2021, với chi phí 1,76 tỷ USD. Siêu cảng Tuas có tổng diện tích lên tới 1.337 ha, đồng thời có khả năng tiếp nhận, xử lý khoảng 65 triệu TEU mỗi năm.

Theo công bố mới nhất của hãng tư vấn Alphaliner, top 5 cảng container lớn nhất thế giới gồm có cảng Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Ningbo-Zhousan (Trung Quốc), hai cảng Qingdao và Shenzhen (đều ở Trung Quốc).

Hiện nay, cảng lớn nhất thế giới là Thượng Hải (Trung Quốc) có công suất khoảng hơn 40 triệu TEUs mỗi năm. Do đó, với công suất dự kiến của siêu cảng Tuas của Singapore, khi đi vào hoạt động, cảng này sẽ vượt qua cảng lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

Hiện nay, nền kinh tế của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại, GS Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho biết. Do đó, việc xây dựng siêu cảng Tuas với công suất lớn là điều cấp bách, góp phần giúp nước này trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng hải.

Bên cạnh quy mô lớn, dự án được đầu tư mới hoàn toàn này chú trọng đến tính bền vững, ứng dụng nhiều công nghệ cao. Siêu cảng sẽ được trang bị một đội xe điện không người lái để vận chuyển container giữa cầu cảng và sân bãi. Đội xe này đang chạy thử nghiệm tại cảng Pasir Panjang, phát ra lượng khí thải ít hơn 25% so với xe thông thường.

Cần trục tự động gắn trên đường ray hoàn toàn chạy bằng điện, sử dụng máy quay và cảm biến laser nhằm đảm bảo độ chính xác, cho phép giám sát từ xa nhiều cần cẩu cùng lúc. Cùng với đó, siêu càng được trang bị máy bay không người lái. 

Đầu tư vào cảng không chỉ là xây dựng thêm đường và xe tải, mà còn là cải thiện khả năng của cảng trong việc theo dõi và điều phối những gì đang xảy ra trên biển với tất cả các bộ phận cần thiết để vận chuyển container trên đất liền.

Singapore sẽ vận hành các phương tiện dẫn đường tự động để di chuyển nhiều container hơn tới các bến tàu. Drone sẽ được sử dụng để giao hàng từ bờ đến tàu và hỗ trợ các nhân viên an ninh kiểm tra.

Công nghệ được nâng cấp sẽ tiết kiệm nhân lực trong cuộc khủng hoảng lao động toàn cầu. Tuy nhiên, cảng Singapore muốn tiến một bước xa hơn bằng cách tích hợp hệ thống thông tin, cho phép theo dõi hàng hóa và thông báo nhu cầu tăng đột biến cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng.

Chiến lược của Singapore là tạo ra sự khác biệt so với các cảng khác trên thế giới. Mục tiêu của cảng là làm cho chính nó hiệu quả hơn để các tàu thực hiện mọi nhu cầu: từ ngân hàng, tiếp nhiên liệu đến dỡ hàng container và lưu trữ ở đó cho đến khi có tàu tiếp theo.