Tăng tính ổn định cho thị trường chứng khoán

Nâng tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức, thu hút vốn ngoại, tăng tính ổn định là mục tiêu quan trọng trong phát triển thị trường chứng khoán trong nước

Ngày 19-7, tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức", do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức ở Hà Nội, vấn đề phát triển, tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được thảo luận sôi nổi với hàng loạt giải pháp được đưa ra.

Khối ngoại bán ròng 4 tỉ USD, vì sao?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, TTCK muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững, nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Trong khi cập nhật đến hiện nay, nhà đầu tư đã mở gần 8 triệu tài khoản, vốn hóa thị trường rất lớn. 

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng nhà đầu tư tổ chức còn khiêm tốn, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% số cổ phiếu trên thị trường (tính theo lượng cổ phiếu lưu hành - PV), còn lại hầu hết là nhà đầu tư cá nhân. 

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh vấn đề là phải làm thế nào để tăng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nhiệm vụ này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển TTCK trong thời gian tới.

Vấn đề khối ngoại bán ròng mạnh cũng được đề cập tại diễn đàn với kỳ vọng sẽ nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nguyên nhân là do thời gian qua các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành phân bổ lại tài sản, rút khỏi một số thị trường trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn neo lãi suất cao. 

Họ không kỳ vọng vào việc FED giảm lãi suất, bởi lãi suất thường tăng nhanh nhưng khi giảm sẽ chậm. Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh xuất hiện rủi ro về tỉ giá Việt Nam. "Nhiều cổ phiếu họ đầu tư đã có lãi tới vài chục phần trăm nên việc hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng là cần thiết" - ông Thuân nói.

Có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân và thiếu nhà đầu tư tổ chức là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân và thiếu nhà đầu tư tổ chức là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cũng theo chuyên gia này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan ngại các yếu tố rủi ro, như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản, tỉ giá...

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho hay tính riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỉ USD, nếu tính từ năm 2023, nhóm này bán ròng khoảng 4 tỉ USD. 

"Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam có Hà Nội, TP HCM để du lịch và làm ăn, thì gần đây họ thấy ở Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm, trong khi nhiều thị trường khác có điều đó" - ông Dominic Scriven nói. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận có nhiều yếu tố khách quan, rủi ro tác động đến việc này và kỳ vọng trong tương tai sẽ không xảy ra.

Tăng nhà đầu tư tổ chức

Làm thế nào để xây dựng được cơ sở nhà đầu tư tổ chức với tỉ lệ cao hơn là bài toán đang được đặt ra hiện nay. Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỉ trọng hơn 90% là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định, còn đầu tư theo tâm lý. "Muốn ổn định, tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức phải chiếm 50%-60% như các thị trường phát triển. Thị trường đã đạt được độ lớn, như người mặc áo chật, cần bước lên bước tiến mới" - bà Phương nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, cùng với tiến trình thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn. Đồng tình với nhận định này nhưng Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng để tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều việc phải làm và phải làm đồng bộ, không thể một sớm một chiều. Theo ông Chi, việc này phải song hành với tiến trình nâng hạng TTCK.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Thực tế, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, thu được lợi ích trên thị trường. Thị trường cũng thu được lợi ích khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia. "Chúng ta rất muốn 2 lợi ích này gặp được nhau" - ông Chi nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đặt trọng tâm làm sao cởi bỏ những điều kiện không còn cần thiết trong điều hành để nhà đầu tư tổ chức tham gia vào TTCK Việt Nam thuận lợi hơn. "Hiện UBCKNN đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%. Đây là vấn đề quan trọng để hướng tới nâng hạng TTCK" - Thứ trưởng nêu rõ.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng cho biết cùng với công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách thu hút đầu tư vốn gián tiếp nước ngoài (FII), các giải pháp liên quan tới thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên TTCK cũng luôn được cơ quan quản lý chú trọng, cải tiến. Nhờ đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK trong nước ngày càng gia tăng; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã hiện diện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp với nhiều vai trò khác nhau.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. 

Trong đó, có việc tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của họ khi đầu tư tại Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài về mục tiêu nâng hạng. "Việc nâng hạng phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan" - Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh. 

Phiên giao dịch ngày 19-7, VN-Index đảo chiều giảm 9,66 điểm (0,76%) xuống 1.264,78 điểm sau một phiên tăng điểm trước đó. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 1,97 điểm (0,81%) còn 240,52 điểm.

Số mã giảm giá chiếm áp đảo trên cả 2 sàn. Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ so với phiên trước, chỉ còn khoảng 20.467 tỉ đồng. Khối ngoại quay lại bán ròng gần 350 tỉ đồng, tập trung bán ròng các cổ phiếu lớn: FPT (hơn 228 tỉ đồng), VHM (gần 159 tỉ đồng), TCB (gần 105 tỉ đồng), MSN (gần 93 tỉ đồng)…

Nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc, khi cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai giảm sàn và mất thanh khoản sau thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc công ty này, bị khởi tố và bắt tạm giam.