Tại sao các “ông lớn” vốn hóa nghìn tỷ như ACV, BSR… vẫn giao dịch trên UPCoM, chưa chịu chuyển sàn? Phó Chủ tịch UBCKNN chỉ điểm hai nguyên nhân

Ý muốn nội tại của công ty và các vấn đề kỹ thuật là hai rào cản ảnh hưởng đến quá trình chuyển sàn của nhiều doanh nghiệp, theo ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN.

Sáng 23/7/2024, báo Đầu tư tổ chức tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới". Tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Hải – Phó chủ tịch UBCKNN chia sẻ góc độ của cơ quan quản lý về quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết, cũng như giải pháp nâng hạng thị trường.

Tại sao các “ông lớn” vốn hóa nghìn tỷ như ACV, BSR… vẫn giao dịch trên UPCoM, chưa chịu chuyển sàn? Phó Chủ tịch UBCKNN chỉ điểm hai nguyên nhân- Ảnh 1.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới", ngày 23/7.

Theo ông Hải, hiện nay, một số doanh nghiệp khá lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhưng chưa đi vào niêm yết. Nguyên nhân đầu tiên của thực trạng này, theo Phó Chủ tịch UBCKNN đến từ ý chí bản thân của doanh nghiệp.

"Ngoài ra, nhiều doanh doanh nghiệp có quy mô kinh doanh rất lớn và tình hình sản xuất rất tốt nhưng do yếu tố kỹ thuật còn tồn đọng, chưa giải quyết được, khiến công ty gặp khó khăn khi chuyển sàn", ông Hải nói.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) gặp vướng về mặt kỹ thuật do báo cáo tài chính vẫn còn yếu tố ngoại trừ. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp đã có hướng để xử lý vấn đề này.

Tại sao các “ông lớn” vốn hóa nghìn tỷ như ACV, BSR… vẫn giao dịch trên UPCoM, chưa chịu chuyển sàn? Phó Chủ tịch UBCKNN chỉ điểm hai nguyên nhân- Ảnh 2.

Ông Bùi Hoàng Hải – Phó chủ tịch UBCKNN.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, hiện nay, tại thị trường Việt Nam, IPO và niêm yết vẫn là hai quá trình tách biệt. Do vậy, có thể một số doanh nghiệp IPO xong, khoảng thời gian nộp tiền mua cổ phần và đưa cổ phiếu niêm yết kéo dài từ 3 tháng hoặc hơn nữa. Điều này tạo ra rào cản lớn với các nhà đầu tư quốc tế. Thậm chí, một số các quỹ còn cấm giao dịch với các cổ phiếu chưa được niêm yết.

Để giải quyết việc này, UBCK đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và nghị định 55, để tích hợp IPO và niêm yết thành một quy trình. Do vậy, sau khi sửa đổi quy trình này, doanh nghiệp sẽ được niêm yết được thực hiện ngay và thực chất sau khi IPO.

Đánh giá cao giải pháp này, bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược SSI cho rằng, việc rút ngắn thời gian gian giữa hai quá trình này sẽ là động lực để doanh nghiệp lên sàn nhiều hơn.

Trên thực tế, các quỹ nội địa tại Việt Nam chỉ dành 10% để đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, theo bà Hằng. Do đó, các doanh nghiệp dù đã lên sàn nhưng chưa niêm yết trên HoSE hay HNX, cũng bị hạn chế các hoạt động đầu tư của nhóm nhà đầu tư này.