Sốc với số tiền người Việt chi mua điện thoại

Bất chấp sức mua sắm mặt hàng công nghệ tại thị trường châu Á và thế giới giảm nhưng người Việt vẫn chi gần 50.000 tỉ đồng để “tậu” điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK (Đức) cho thấy tổng doanh thu trên thị trường di động tại châu Á đã đạt hơn 100 tỉ USD, ước tính hết năm đạt 200 tỉ USD. Trong đó, người dùng ở Việt Nam chi 2 tỉ USD (hơn 49 ngàn tỉ đồng) cho việc mua sắm điện thoại di động.

So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam giảm 23%. Tuy nhiên, phân khúc điện thoại cao cấp có giá từ 800 USD/chiếc tăng trưởng tốt.

Dòng điện thoại đắt tiền ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn từ 5% vào năm 2019, dự kiến tăng lên 12% vào năm 2024. Dự báo này cao hơn Indonesia (3%), Philippines (6%), Ấn Độ (4%) nhưng thấp hơn Thái Lan (13%), Trung Quốc (21%), Singapore (42%), New Zealand (44%).

Giá trung bình một chiếc điện thoại thông mình ở Việt Nam năm 2019 là 254 USD (6,2 triệu đồng). Ước tính đến 2024 tăng lên 339 USD (8,3 triệu đồng), tăng 134%. Tỷ lệ này cao thứ hai trong khu vực sau New Zealand (187%) nhưng trước Ấn Độ (132%), Trung Quốc (128%), Thái Lan (123%).

Sốc với số tiền người Việt chi mua điện thoại - Ảnh 1.

Bất chấp sức mua sắm trên thị trường châu Á và thế giới giảm nhưn người Việt vẫn chi gần 50 ngàn tỉ để mua điện thoại di động trong nửa năm 2023. Ảnh minh hoạ: Inverse

Ngoài điện thoại thông minh, các ngành hàng điện tử khác tại Việt Nam cũng chứng kiến đà suy giảm đáng kể. Chẳng hạn, tính từ tháng 7 năm ngoái đến 6 nay, có khoảng 2,5 triệu Tivi được bán ra, doanh thu 30.000 tỉ đồng - giảm 0,3% so với năm trước đó. 

Lĩnh vực điện lạnh, điện gia dụng cũng theo đà đi xuống, tương tự bức tranh thị trường toàn cầu. 

Doanh số tủ lạnh, máy giặt trong 9 tháng đầu năm tại Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng điều hòa nhiệt độ tăng trưởng vào mùa nắng. 

Các mặt hàng máy tính ở Việt Nam tính đến tháng 9 cũng giảm cả về giá và sức mua.

Các chuyên gia lý giải nguyên nhân bởi giai đoạn COVID-19 đã đẩy sức mua lên cao, cộng thêm yếu tố từ kinh tế vĩ mô khiến nhu cầu của toàn thị trường không được như kỳ vọng.