Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, tại buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng Park Sang Woo chia sẻ, Hàn Quốc hiện đã và đang là một nước phát triển về đô thị và mong muốn phát triển hợp tác với nước ngoài đặc biệt là với các quốc gia lân cận.
“Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển rất cao và lãnh đạo hai nước đã nhất trí về việc tăng cường hợp tác thì những cơ quan quản lý như chúng ta cũng cần có những hoạt động hợp tác cụ thể. Việt Nam và Hàn Quốc không phải là hai nước cạnh tranh với nhau mà là hai nước hợp tác cùng phát triển”, Bộ trưởng Park Sang Woo nhận định và cho biết thêm, Hàn Quốc rất mong muốn có những hợp tác với một đất nước đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam. Hy vọng buổi làm việc này sẽ là một dấu mốc trong quan hệ hợp tác giữa hai Bộ, thời gian tới chúng ta sẽ có thêm nhiều hoạt động giao lưu hợp tác hơn nữa.
Hiện Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký MOU (bản ghi nhớ) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông. Đây là nền tảng để chúng ta có những hợp tác cụ thể. Tuy nhiên Bộ trưởng Park Sang Woo cho rằng, tới đây, hai Bộ có thể ký các MOU trong từng lĩnh vực như đường bộ, hàng không, hàng hải.
Theo Bộ trưởng Park Sang Woo, thông qua việc ký MOU, hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất nhất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt đặc biệt là đường sắt cao tốc. “Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á (sau Nhật Bản) phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Về phát triển công nghiệp đường sắt tốc độ cao, Hàn Quốc là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao”, Bộ trưởng Park Sang Woo chia sẻ.
Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49.
"Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035".
Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết giữ nguyên phương án tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến có vận tốc thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.500km, phục vụ cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, trong khi đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ chuyển sang chủ yếu vận tải hàng, vốn đầu tư khoảng 70 tỷ USD.
Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ GTVT và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.
Trước đó, đã có nhiều quốc gia muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong dự án này như Trung Quốc, Nhật Bản...
Trong các MOU, Hàn Quốc mong rằng Việt Nam sẽ nêu ra những đề xuất cụ thể như: đào tạo huấn luyện cho kỹ sư, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, công nghệ đường sắt, hai bên triển khai khảo sát tiền khả thi đối với một số dự án…
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang bày tỏ vui mừng khi được gặp và làm việc với Bộ trưởng Park Sang Woo và đánh giá rất cao sự phát triển của Hàn Quốc trong việc phát triển đô thị và giao thông đô thị, giao thông thông minh thời gian qua.
“Trong bối cảnh của Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đô thị đặc biệt là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về vấn đề này là rất quan trọng.Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được nhiều từ Hàn Quốc từ những kinh nghiệm cũng như những tồn tại mà Hàn Quốc đã từng gặp phải và đã khắc phục rất thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói và hoàn toàn đồng ý với ý kiến rằng hai cơ quan quản lý về giao thông cần phải có các biện pháp, giải pháp để triển khai các nội dung hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã thống nhất.
Việt Nam đang coi phát triển kết cấu hạ tầng GTVT là một trong ba đột phát lớn của đất nước. Thời gian vừa qua, Hàn Quốc là một trong những quốc gia và có hỗ trợ nhiều nhất cho Việt Nam không chỉ về chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật mà còn là tài trợ song phương lớn thứ hai cho ngành GTVT Việt Nam. Rất mong là Chính phủ Hàn Quốc và Bộ MOLIT sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng hải, hàng không.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Park Sang Woo về việc ký MOU theo từng lĩnh vực.
Về lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng đề nghị Bộ MOLIT chia sẻ những kinh kiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ MOLIT quan tâm đến Dự án metro số 3 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn Hàn Quốc quan tâm hợp tác đầu tư đối với những dự án lớn của ngành Hàng không, Hàng hải như: dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án xây dựng các cảng biển của Việt Nam.
Bộ GTVT hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Quỹ thúc đẩy phát triển kinh tế (EDPF) nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Đây được đánh giá là một nguồn huy động vốn ODA thế hệ mới với mức ưu đãi cao, linh hoạt về điều kiện vay và không ràng buộc điều kiện trong quá trình đấu thầu. Trên cơ sở Biên bản hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phía Hàn Quốc xem xét, tài trợ nguồn vốn EDPF nhằm triển khai một số Dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới cho các dự án như: Dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với Lào (Quốc lộ 12A, 12C, 15D, 49)
Được biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS). Bộ GTVT hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án giao thông thông minh tại các đường cao tốc của Việt Nam.
“Hàn Quốc là một quốc gia có ngành công nghiệp ô-tô phát triển nhất Châu Á với các thương hiệu ô tô rất phổ biến ở Việt Nam như Huyndai, Kia… Việt Nam đã phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông, trong đó đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện là rất cần thiết”, thứ trưởng nhận xét và đề nghị Bộ trưởng Park Sang Woo xem xét, giới thiệu các doanh nghiệp ô-tô Hàn Quốc hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện và các hạ tầng liên quan.