Phúc Sinh khai trương nhà máy đầu tiên chế biến trà Cascara làm từ quả cà phê

(Chinhphu.vn) - Công ty CP Phúc Sinh Sơn La vừa khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara tại huyện Mai Sơn (Sơn La) với công suất 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày.

Dây chuyền sản xuất chế biến trà Cascara được xây dựng từ tháng 8/2023, với công suất 0,5 tấn trà thành phẩm/ngày gồm hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV; hệ thống sấy lạnh đa chức năng bảo đảm sạch và giữ nguyên hương vị, màu sắc; hệ thống đóng gói tự động có thể ra các sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác.

Đặc biệt, để có nguồn nguyên liệu chế biến trà Cascara, công ty đã tuân thủ theo quy trình chăm sóc đặc biệt, chất lượng cao (RA). Vùng trồng được định vị, vườn ứng dụng công nghệ cao để làm nguyên liệu cho chế biến trà Cascara. Nguồn nguyên liệu chọn lọc, tuân thủ theo yêu cầu tiêu chuẩn Rainforest Alliance về vùng trồng và phương pháp canh tác.

Đồng thời, Nhà máy thực hiện kiểm soát quy trình chế biến, vận hành theo HACCP Codex, BRCGs nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy trình đóng gói trà tự động và sử dụng hệ thống sấy lạnh.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, trước đây gần như 100% vỏ quả cà phê được ủ làm phân bón, vật liệu đốt hoặc vứt đi. Các vùng trồng chuyên canh cà phê lớn phải đối mặt rất nhiều với vấn đề ô nhiễm từ quá trình thải vỏ quả cà phê. Tuy nhiên hiện nay, vỏ cà phê đã được tận dụng, chế biến thành trà cà phê (cascara) với nhiều giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, với lượng vỏ thải ra từ 10 tấn quả cà phê chín vốn chỉ bỏ đi nhưng hiện nay đã có thể chế biến thành 1 tấn trà cà phê thành phẩm mỗi ngày, trở thành sản phẩm mang về giá trị kinh tế và góp phần vào mô hình nông nghiệp phát triển tuần hoàn.

Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông, để Cascara có giá trị cạnh tranh được và chất lượng tốt nhất, ngon nhất, Phúc Sinh đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại nhất đã có trên thế giới trong sản xuất và chế biến trà, cà phê.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, công ty đã chuẩn bị nguồn quả chín từ các vườn cà phê mẫu, cà phê đặc sản đến từ 22 nông dân tại bản Tường Chung và bản Củ - huyện Mai Sơn. Từng quả cà phê được các nông hộ chăm sóc và thu hái theo quy trình nghiêm ngặt nhất và đưa vào sản xuất, đây cũng là những vườn cà phê nằm trong dự án cà phê bền vững Rainforest Alliance, vùng cà phê công nghệ cao của tỉnh Sơn La. Như vậy, dây chuyền này cùng lúc đạt 3 tiêu chuẩn vùng nguyên liệu bền vững và BRC Food 9 (tiêu chuẩn của Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc dành cho thực phẩm).

Công ty đã tìm kiếm và hợp tác cùng 4 nhà sản xuất để đặt hàng và biến nó thành một dây chuyền đồng bộ, dựa trên sự mô phỏng cách làm trà thủ công nhưng với năng suất cao, đặc biệt bảo đảm chất lượng và sự ổn định giữa các lô trà làm ra.

"Công ty Phúc Sinh Sơn La đã chế biến trà Cascara trong vài năm gần đây, tuy nhiên hôm nay mới chính thức khai trương dây chuyền với sản lượng lớn hơn rất nhiều. "Được sự yêu mến và chia sẻ, chúng tôi đã xuất khẩu đến 99% sản lượng trà đến các nước sử dụng trà Cascara trên thế giới như Italy, Pháp, các nước châu Âu khác", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Đánh giá về việc khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara tại Sơn La, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, thông qua việc đưa vào vận hành dây chuyền chế biến trà Cascara, địa phương muốn quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm trà Cascara Sơn La tới doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó, thu hút các doanh nghiệp, nhà máy chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm trà Cascara nói riêng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Minh Thi