Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Từ một trung tâm đào tạo nghề, Trường Nguyễn Tất Thành dưới sự đồng hành của Dệt may Sài Gòn ngày càng mở rộng với quy mô, lên tới 52 ngành học…

Nhiều năm trở lại đây, hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập được xem là một phần quan trọng với nhiều thế mạnh. Hệ thống các trường đại học ngoài công lập tại Việt Nam qua quá trình phát triển đã có những đóng góp rõ rệt thể hiện qua quy mô, số lượng các trường, lực lượng sinh viên, giảng viên…

Với ưu thế tài chính độc lập, các trường ngoài công lập đều có sự tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Phát triển từ một cơ sở tư thục bậc đại học thành lập từ năm 1988, tính đến năm 2023, số lượng các trường đại học tư thục trên toàn quốc đạt khoảng 67 trường, chiếm hơn 27% tổng số các trường đại học.

Mối quan hệ khăng khít với Dệt may Sài Gòn

Quay lại cuối những năm 90 của thập kỷ trước, Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn trực thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam đưa ra quyết định chuyển đổi công năng của cơ sở thành trung tâm tạo nghề cho công nhân may trong bối cảnh bắt buộc phải đổi mới.

Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- Ảnh 1.

Năm 2011, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã được thành lập theo quyết định số 621/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định trên được hiện thực bằng việc thành lập Trung tâm Đào tạo Công nhân may vào năm 1999. Đến năm 2002, cơ sở đào tạo tên được chuyển đổi thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Bán công Nguyễn Tất Thành.

Cũng chính từ đây, định hướng giáo dục của Dệt may Sài Gòn đã trải qua nhiều thay đổi - gắn liền với tên gọi Nguyễn Tất Thành.

Qua năm phát triển, từ một trung tâm đào tạo nghề, đến trường trung cấp rồi trở thành Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, năm 2011, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã được thành lập theo quyết định số 621/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mối liên hệ khăng khít giữa Dệt may Sài Gòn và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn được thể hiện thông qua các vị trí lãnh đạo. Theo đó, bà Nguyễn Mai Lan - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là Chủ tịch HĐQT Dệt may Sài Gòn.

Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- Ảnh 2.
Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- Ảnh 3.

Mối liên hệ khăng khít giữa Dệt may Sài Gòn và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Đồng thời, tất cả Phó Chủ tịch Dệt may Sài Gòn đều đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng trường là ông Trần Văn Ái, ông Nguyễn Kim Quý và ông Nguyễn Văn Lượng.

Từ trung tâm đào tạo nghề đến đại học tư thục

Theo giới thiệu trên website Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (ntt.edu.vn), hiện cơ sở giáo dục ngoài công lập này có hệ thống gồm 52 ngành học với 3 thư viện, 204 phòng thí nghiệm, thực hành và 521 giảng đường, phòng học, phòng làm việc.

Từ 2 ngành đào tạo với 200 sinh viên, tới nay, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đào tạo 18 khoa với số lượng sinh viên hơn 30.000.

Đáng chú ý, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn sở hữu 4 cơ sở tọa lạc tại các quận trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Được xem là cơ sở chính gắn bó với 25 năm phát triển của của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cơ sở 300A tại quận 4 được xây dựng trên tòa nhà 8 tầng với tổng diện tích sàn gần 25.000m2.

Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Mai Lan - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là Chủ tịch HĐQT Dệt may Sài Gòn.

Năm 2015, cơ sở An Phú Đông (hay còn gọi là cơ sở 331) của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đưa vào hoạt động với tổng diện tích sàn là 35.000m2 với tổng mức đầu tư lên tới 600 tỷ đồng.

Cơ sở thứ ba của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tọa lạc ở Nguyễn Hữu Thọ. Đây là cơ sở chuyên đào tạo sinh viên theo hệ học chất lượng cao thuộc Viện Đào tạo Quốc tế Nguyễn Tất Thành với tổng diện tích với 5.000m2 sàn.

Đáng chú ý nhất trong hệ thống cơ sở giáo dục của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là cơ sở công nghệ cao tại quận 9 Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, nhà trường đã đầu tư 3 dự án gồm: Trung tâm phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại đường D2, khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, Tp. Thủ Đức, với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông chủ đứng sau Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- Ảnh 5.

Cơ sở công nghệ cao tại quận 9 Tp. Hồ Chí Minh của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có tổng kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Mới đây, hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2024 với khoảng 10.000 chỉ tiêu thuộc 4 phương thức xét tuyển. Các phương thức xét tuyển bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 theo tổ hợp môn; Kết quả học bạ đạt 1 trong các tiêu chí; kết quả bài thi kiểm tra đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp. HCM & Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thẳng.

Đồng thời, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho biết dự kiến mở mới 2 ngành học gồm Thiết kế thời trang và Thú y…