NSƯT Hương Giang hóa thân vào cô gái Pa Kô thể hiện xúc động ca khúc cách mạng

Kênh Kinh Tế

Nằm trong dự án âm nhạc “Vang Mãi Khúc Quân Hành” chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa qua, NSƯT Hương Giang đã làm mới và thể hiện lại một cách xúc động ca khúc “Cô Gái Pa Kô”, một sáng tác nổi tiếng của Nhạc sỹ Huy Thục.

Như chúng ta đã biết, năm 1966, Nhạc sỹ Huy Thục với bút danh Lê Anh Chiến đã xung phong ra chiến trường, hòa mình vào không khí kháng chiến sôi sục của dân tộc. Tiến vào lòng đất Quảng Trị, nơi đang diễn ra cuộc kháng chiến thần thánh, ông đã cho ra đời hàng loạt ca khúc nổi tiếng như “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Chào đường Chín anh hùng”, “Ơi dòng suối La La”, “Chiến thắng trên đồi Động Tri” và đặc biệt là hai tác phẩm tiêu biểu là “Tiếng đàn Ta Lư” và “Cô gái Pa Kô”…

Trong hành trình của mình, Nhạc sỹ Huy Thục đã gặp chị Hồ Thị Hồng, một cô gái Pa Kô đang vác đạn ra mặt trận. Cuộc gặp gỡ này đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Khi chia tay, chị Hồng đã nói câu đầy xúc động: “Bao giờ đất nước độc lập, thống nhất như Bác Hồ nói, miềng nhớ về thăm dân bản em nhé!”. Những tâm tư và kỷ niệm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho ca khúc “Cô gái Pa Kô”. 

NSƯT Hương Giang thể hiện xúc động ca khúc "Cô Gái Pa Kô".

Ca khúc này được hoàn thành vào ngày 19 tháng 5 năm 1969, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ca khúc không chỉ mang giá trị biểu cảm phong phú mà còn thể hiện kỹ thuật sáng tạo âm nhạc tinh tế. Hình tượng âm nhạc trong bài hát rất tươi sáng, khỏe khoắn, gợi lên sức sống mãnh liệt của nhân dân và đất nước.

Mở đầu ca khúc, không khí mùa xuân tràn ngập qua hình ảnh: "Mùa xuân đến rồi bản làng ơi/Thơ Bác gọi dậy vang non sông". Những câu thơ này gợi lên niềm tin và hy vọng cho một đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Hình ảnh "kèn tiến công vang dội khắp hai miền" thể hiện khí thế xung phong của nhân dân. Những lời thơ của Bác như một bản nhạc kháng chiến, kêu gọi mọi người hướng về lý tưởng độc lập, thống nhất dân tộc.

Nhân vật chính trong bài hát, "Cô gái Pa Kô", không chỉ là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam dũng cảm mà còn mang trong mình tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ thời bấy giờ. Đoạn thơ “Dù gian khổ vượt núi băng rừng/Dù mưa bom em không ngại chi” thể hiện ý chí kiên cường và lòng quyết tâm của cô gái. Những hình ảnh này gợi lên cuộc sống thiếu thốn, nguy hiểm mà không ít người phụ nữ trẻ đã phải trải qua trong thời kỳ kháng chiến.

img-7873-1734439838.jpeg

NSƯT Hương Giang hóa thân vào cô gái Pa Kô thể hiện xúc động ca khúc cách mạng.

Câu “Gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến/Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường” không chỉ thể hiện sự hy sinh thể chất mà còn biểu thị tinh thần cống hiến lớn lao cho Tổ quốc. Cô không chỉ là người hỗ trợ lực lượng chiến đấu mà còn gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng bộ đội, thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng và cao cả.

Bài hát không chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nó còn mở ra một khát vọng về hòa bình và tương lai tươi sáng. Hình ảnh “Ngày chiến thắng nhớ về thăm bản em” gợi nhớ những ước mơ và dự định tốt đẹp của những người sống trong cảnh khổ đau của chiến tranh. "Rừng hương cây sắc hoa thơm ngọt ngào" chính là biểu tượng của cuộc sống hạnh phúc, yên bình mà mọi người đang khao khát.

"Cô Gái Pa Kô” không chỉ là bài hát ca ngợi vẻ đẹp của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mà còn là một bản hùng ca chứa đựng tinh thần yêu nước và quyết tâm theo đuổi lý tưởng. Tác phẩm này khắc sâu vào tâm trí mỗi người, nhắc nhở chúng ta về những hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước và khuyến khích thế hệ hiện tại và tương lai tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Không chỉ là những lời ca giản dị, mà  ca khúc còn tràn đầy chất thơ và giàu cảm xúc. Với ngôn từ mộc mạc, Huy Thục đã khéo léo gửi gắm những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Ca khúc vừa thể hiện sự nữ tính vừa mang đậm tinh thần nhân văn, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của người con gái Pa Kô nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung trong kháng chiến. 

Trong ca khúc này, Nhạc sỹ Huy Thục đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để truyền tải thông điệp yêu nước, ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ đồng bào các dân tộc anh em trong kháng chiến. So sánh vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương với vẻ đẹp lung linh của những vì sao, nhấn mạnh sự tươi đẹp, thuần khiết của rừng núi và tình yêu quê hương đất nước: “Rừng hương cây sắc hoa thơm ngọt ngào, Đẹp tựa ngàn cánh sao lung linh”.

Phần ca từ có nhịp điệu đều đặn và giai điệu lạc quan. Việc sử dụng các câu thơ ngắn, gọn, kết hợp với điệp ngữ, điệp âm tạo nên âm hưởng vui tươi, phù hợp với tinh thần chiến thắng và hy vọng của dân tộc. Sự đối lập giữa “dù gian khổ” và “không ngại chi” trong các câu thơ thể hiện sức mạnh ý chí và tinh thần kiên cường của người con gái Pa Kô, bất chấp mọi khó khăn để phục vụ Tổ quốc. Hình ảnh núi rừng được nhân hoá, như trong “cất lên muôn lời ca ta hát mừng chiến thắng”, cho thấy thiên nhiên cũng tham gia vào cuộc kháng chiến, đồng hành cùng con người.

img-7874-1734439996.jpeg

MV "Cô Gái Pa Kô" nằm trong dự án âm nhạc "Vang Mãi Khúc Quân Hành" của NSƯT Hương Giang.

Nhờ vào những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, ca khúc “Cô gái Pa Kô" đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, tôn vinh lòng dũng cảm, ý chí phấn đấu, và sự hy sinh vì Tổ quốc. Qua đó, tác phẩm trở thành một bản hùng ca truyền cảm hứng cho các thế hệ, nhắc nhở về truyền thống yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc.

Với ca khúc này, NSƯT Hương Giang đã hóa thân vào cô gái Pa Kô thể hiện thanh công tinh thần của tác phẩm nói về tình yêu quê hương, đất nước, sự yêu kính Bác Hồ. Bằng kinh nghiệm xử lý tác phẩm chính ca điêu luyện, giọng ca vàng Xứ Nghệ đã lan tỏa những thông điệp của ca khúc đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Đây cũng là lời nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, tri ân sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh với quê hương, đất nước./.

Quyết Tuấn