Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, quá trình phục hồi còn mong manh

Báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Trung Quốc đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số giá sản xuất cũng giảm tháng thứ 13 liên tiếp.

Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, quá trình phục hồi còn mong manh - Ảnh 1.

Bloomberg đưa tin, báo cáo mới nhất cho thấy Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 10. Cục Thống kê Quốc gia nước này (NBS) cho biết giá tiêu dùng đã giảm 0,2% trong tháng trước sau khi dao động gần mức 0 trong hai tháng trước đó. Con số này cao hơn mức dự đoán giảm 0,1% trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Chỉ số giá sản xuất giảm 2,6%, thấp hơn so với ước tính giảm 2,7% nhưng là tháng thứ 13 giảm liên tiếp.

Theo Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng cho thấy Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát hồi tháng 7 và nó cũng liên tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 8, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết giá cả sẽ phục hồi sau đợt khó khăn trong mùa hè, thì dữ liệu mới nhất lại chỉ ra rằng đánh giá này đang có phần lạc quan.

Đồng nhân dân tệ ra nước ngoài ít thay đổi, đạt mức 7,2854 NDT/USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giữ ổn định ở mức 2,65%.

Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc ở mức thấp trong năm nay do các yếu tố trong nước như biến động về bất động sản hay niềm tin của người tiêu dùng suy yếu. Đồng thời, nó cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố quốc tế như giá hàng hóa toàn cầu giảm so với mức cao nhất của năm ngoái và nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc yếu - dẫn đến xuất khẩu giảm.

Giá tiêu dùng giảm gần đây là do giá thịt lợn giảm mạnh. Đây vốn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này. Các nhà sản xuất thịt lợn đã tăng nguồn cung, đặt cược vào nhu cầu tăng cao sau khi những hạn chế trong thời kỳ đại dịch đã kết thúc vào cuối năm ngoái. Nhưng sự phục hồi không như mong đợi.

Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, quá trình phục hồi còn mong manh - Ảnh 2.

Giá thịt lợn bán buôn trung bình trên toàn quốc ở Trung Quốc

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley nhận định rằng Trung Quốc có khả năng đương đầu với một cuộc chiến kéo dài để chống lại tình trạng giá cả giảm trong những năm tới. Báo cáo cho rằng Trung Quốc chỉ mới ở giai đoạn đầu của “cuộc chiến chống giảm phát” khi nước này chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng.