Không phải “ông già hết thời”, gã khổng lồ Nhật Bản vừa tung ra 1 sản phẩm khiến ngành công nghiệp then chốt toàn cầu chấn động: Giá thành rẻ và tiết kiệm năng lượng chỉ bằng 1/10 so với đối thủ

Sử dụng công nghệ in nano, các máy sản xuất chip 5nm của Canon có giá chỉ bằng 1/10 so với các sản phẩm của ASML, doanh nghiệp Hà Lan đang thống trị thị trường máy khắc chip tiên tiến trên toàn cầu.

Không phải “ông già hết thời”, gã khổng lồ Nhật Bản vừa tung ra 1 sản phẩm khiến ngành công nghiệp then chốt toàn cầu chấn động: Giá thành rẻ và tiết kiệm năng lượng chỉ bằng 1/10 so với đối thủ - Ảnh 1.

Theo Bloomberg, gã khổng lồ Nhật Bản coi giá thành là chìa khóa để cạnh tranh với ASML trong hành trình thâm nhập các thị trường toàn cầu trong ngành công nghiệp sản xuất chip tiên tiến. Đây cũng được coi là bước đột phá trong lĩnh vực quan trọng mà các siêu cường như Mỹ hay Trung Quốc đều đang hết sức chú trọng.

Về phần mình, CEO Canon Fujio Mitarai cho biết công nghệ in nano mới mà họ tạo ra sẽ mở đường cho các nhà sản xuất bán dẫn nhỏ có thể tạo ra được những con chip tối tân – lĩnh vực trước giờ vẫn nằm dưới sự thống trị của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành.

“Giá của chúng tôi sẽ thấp hơn cả chục lần so với giá của ASML”, vị CEO 88 tuổi của Canon cho biết. Tuy nhiên, mức giá cuối cùng chưa được quyết định.

ASML là công ty có trụ sở tại Hà Lan, chuyên cung cấp các máy in thạch bản dùng tia cực tím (EUV) với giá hàng trăm triệu USD/chiếc. Là sản phẩm của nhiều thập kỷ nghiên cứu và đầu tư, các máy của ASML hiện là công cụ duy nhất để tạo ra những con chip hiệu năng cao, tốc độ xử lý nhanh nhất ở thời điểm hiện tại. Công nghệ của họ giúp “nhồi” hàng triệu bóng bán dẫn vào mỗi milimet vuông của tấm vật liệu chip.

Hiện tại, chỉ ít doanh nghiệp đủ giàu để mua những cỗ máy này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tiền cũng không thể mua được công cụ sản xuất chip của ASML vì các vấn đề địa chính trị.

Không phải “ông già hết thời”, gã khổng lồ Nhật Bản vừa tung ra 1 sản phẩm khiến ngành công nghiệp then chốt toàn cầu chấn động: Giá thành rẻ và tiết kiệm năng lượng chỉ bằng 1/10 so với đối thủ - Ảnh 2.

CEO Canon Fujio Mitarai.

Chính thực trạng này làm dấy lên hy vọng từ sản phẩm của Canon – vốn ra mắt thị trường trong tháng trước. Các hạn chế xuất khẩu chip của Tokyo, dù được cập nhật hồi tháng 7, vẫn không cấm xuất khẩu công nghệ in thạch bản nano.

Dẫu vậy, CEO Mitarai cho biết Canon không thể bán các dòng máy này cho Trung Quốc. “Tôi hiểu việc xuất khẩu bất cứ sản phẩm nào vượt quá công nghệ 14 nm đều bị cấm. Chúng tôi không nghĩ mình có thể bán được sản phẩm này cho Trung Quốc”, ông Mitarai nói.

Cổ phiếu Canon đã tăng 27% kể từ đầu năm. Cổ phiếu Nikon – doanh nghiệp đang phát triển các máy khắc chip theo công nghệ của ASML, cũng tăng 24%.

Canon nghiên cứu quy trình in nano trong suốt gần một thập kỷ với Dai Nippon Printing Co. và nhà sản xuất chip Kioxia Holdings Corp. Không giống như kỹ thuật in thạch bản EUV, công nghệ của Canon dán trực tiếp lên tấm bán dẫn để tạo ra chip dưới các hình dạng được thiết kế. Nó tương đương với các loại chip 5nm nhưng tốc độ sản xuất chậm hơn.

Dẫu vậy, chiếc máy này cũng mang lại cho các nhà sản xuất chip thêm một lựa chọn để giảm phụ thuộc vào công cụ của ASML đồng thời giúp các nhà sản xuất chip như TSMC hay Samsung có thể sản xuất theo đơn đặt hàng với những lô nhỏ. Ngoài ra, những cỗ máy này chỉ ngốn điện năng bằng 1/10 so với các máy dùng công nghệ EUV.

“Tôi không nghĩ rằng công nghệ in nano sẽ vượt qua được EUV nhưng tôi tin tưởng rằng nó sẽ tạo ra cơ hội và cả những nhu cầu mới. Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khách”, ông Mitarai nói.

Với đại đa phần người dân Việt Nam, Canon là thương hiệu gắn liền với máy ảnh, máy in chứ không phải là ngành công nghiệp chip. Tuy nhiên, đây là một trong những mảng quan trọng và đang trở thành then chốt của công ty. Họ tập trung vào sản xuất các loại chip kém tiên tiến hơn. Công ty này đặt cược vào công nghệ in nano năm 2014 sau khi mua lại Molecular Imprints Inc – doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ này.

Trong vai trò nhà cung ứng của TSMC, Canon đang xây nhà máy mới đầu tiên trong 2 thập kỷ. Nhà máy ở Utsunomiya, phía bắc Tokyo, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2025.

CEO Mitarai là người nắm giữ cương vị Chủ tịch Canon trong suốt 18 năm qua. Ông cũng là CEO từ năm 2006. Người đàn ông sinh năm 1935 này chính là người “giải cứu” Canon khỏi giai đoạn khó khăn kể từ khi lần đầu nắm quyền từ năm 1995.

“Trách nhiệm của tôi là tìm người kế nhiệm”, ông Mitarai từng chia sẻ dù không tiết lộ lộ trình cụ thể.