Hãng xe Mỹ đầu tư vào mảng ô tô tự lái nhưng bất thành: Hiện đang ‘gồng’ lỗ 2 tỷ USD, đội xe 400 chiếc bị đình chỉ, chính nhân viên nội bộ nghi ngờ

Hiện đồng sáng lập thương hiệu xe tự lái này đã từ chức.

Nửa đêm ngày 24/8, một chiếc xe tự hành Cruise bất ngờ lao lên vỉa hè và đâm mạnh vào tòa nhà đối diện. Thời điểm cảnh sát địa phương có mặt tại hiện trường, nhân viên Cruise đã kín đáo che chiếc xe bằng một tấm vải bạt, sau đó cố gắng dọn dẹp mỡ hỗn độn.

Tai nạn dấy lên lo ngại đối với bộ phận xe tự lái của GM, rằng liệu những phương tiện này có thực sự an toàn đối với người cùng tham gia giao thông. Trước đó, sau một tháng hỗn loạn vì bị tước giấy phép ở California, người đồng sáng lập Cruise, Kyle Vogt, quyết định từ chức. Dan Kan, đồng sáng lập Cruise, cũng nghỉ việc.

Chia sẻ với báo giới, ông Vogt bày tỏ sự phẫn nộ của mình trước những phản ứng dữ dội của người dân, đồng thời nhấn mạnh công ty đang cố gắng giảm thiểu các vụ tai nạn và tử vong do xe tự hành. Hiện GM đang ôm lỗ 2 tỷ USD đối với Cruise.

Trước đó, vào ngày 2/10, một người phụ nữ sau khi bị ô tô tông đã không may ngã vào phần đường dành cho xe Cruise. Chiếc xe không người lái sau đó đã kéo lê nạn nhân vài mét. Bình luận về sự vụ này, đại diện Cruise cho biết chiếc xe chỉ đang cố gắng tấp vào lề - một thao tác được lập trình sẵn nếu phát hiện ra va chạm.

Khoảng 3 tuần sau, cơ quan quản lý California tước giấy phép vận hành của Cruise. Đội xe 400 chiếc trên khắp San Francisco và các thành phố lân cận buộc phải đình chỉ. GM, công ty sở hữu khoảng 80% Cruise, muốn biến đây trở thành một ‘Uber thứ hai’. Các nhà điều hành cho biết hoạt động kinh doanh này có thể tạo ra doanh thu hàng năm lên tới 50 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với hoạt động sản xuất ô tô truyền thống của GM.

“Cruise không còn chỉ là dự án nằm trên giấy. Ngành kinh doanh này đang phát triển nhanh chóng”, ông Vogt nói.

Được biết, GM đã chi khoảng 1 tỷ USD vào đầu năm 2016 để mua Cruise - khi đó chỉ là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco với 40 nhân viên. Lúc này, nhiều giám đốc điều hành coi dịch vụ gọi xe là mối đe dọa đối với ngành kinh doanh ô tô. Nhiều người mong muốn tham gia vào phong trào xe không người lái.

Đầu năm 2019, Barra cử Chủ tịch GM lúc đó là Dan Ammann từ Detroit đến San Francisco làm Giám đốc điều hành Cruise; Vogt trở thành giám đốc công nghệ. Trong nhiệm kỳ của Ammann, ông tập trung lên kế hoạch ra mắt thương mại và dẫn dắt Cruise phát triển nhanh chóng, chạm mốc hơn 2.000 nhân viên.

Tháng 2/2022, Vogt được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành, song đội ngũ nhân viên lúc này bắt đầu bày tỏ nỗi quan ngại đối với công nghệ tự lái. Theo lời 2 cựu nhân viên, hệ thống phát hiện va chạm của Cruise gặp khó khăn trong việc xác định xem nó đã va phải thứ gì. Những chiếc xe cũng không thể nhìn thấy các vật thể ở khoảng cách quá thấp. Trong cuộc thử nghiệm vào mùa xuân năm 2021, chỉ vài tháng trước khi Cruise tung ra chiếc taxi không người lái đầu tiên, nó đã lao thẳng qua các hộp bìa cứng mà không dừng lại.

Ngoài ra, theo 4 cựu nhân viên khác, ít nhất kể từ năm 2017, Cruise luôn gặp khó khăn khi rẽ trái qua ngã tư. Chúng phải theo dõi cách các ô tô di chuyển, xác định tốc độ rồi mới quyết định xem có an toàn để rẽ hay không. Cruise cũng bị tố di chuyển quá nhanh và hay dừng đỗ đột ngột tại ngã tư, từ đó ảnh hưởng đến các phương tiện đang lưu thông trên đường.

Vào tháng 6/2022, 1 ngày sau khi Cruise nhận được giấy phép ở California, phương tiện của hãng này đã va chạm với một ô tô khác khi rẽ trái qua giao lộ do phần mềm không thể đánh giá chính xác hướng di chuyển. Chưa đầy 3 tháng sau, Cruise phải thu hồi phần mềm trên 80 xe để khắc phục sự cố.

Hãng xe Mỹ đầu tư vào mảng ô tô tự lái nhưng bất thành: Hiện đang ‘gồng’ lỗ 2 tỷ USD, đội xe 400 chiếc bị đình chỉ, chính nhân viên nội bộ nghi ngờ - Ảnh 1.

Người dân và quan chức San Francisco ngày càng thất vọng với những chiếc xe Cruise mắc kẹt trên đường phố. Chúng thậm chí còn gây cản trở công tác cứu hộ của lính cứu hỏa và cảnh sát.

Câu chuyện của lính cứu hỏa Adam Wood là ví dụ điển hình. Sáng sớm hôm ấy, sau khi chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu, anh nhanh chóng tìm bệnh viện gần nhất song bất ngờ bị một chiếc ô tô đen trắng chặn đường.

Đó là Waymo - chiếc xe hơi không người lái thuộc sở hữu của Alphabet. Adam Wood vội nói chuyện với người điều khiển từ xa thông qua một thiết bị gắn trong xe để mở đường. Người này cho biết sẽ sớm cử nhân viên tới đưa Waymo đi.

Cuối cùng, bệnh nhân nguy kịch vẫn được đưa tới bệnh viện kịp thời, song muộn hơn 7 phút so với khi không xảy ra sự cố Waymo. Chia sẻ với The New York Times, Wood nói: “Nó khiến thời gian bị lãng phí một cách vô ích”.

Tại San Francisco, hơn 600 sự cố xe tự hành đã được ghi nhận từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023. Trong khi đó, tại Austin, quan chức thành phố cho biết khu vực này đã xảy ra 52 sự cố ô tô tự lái từ ngày 8/7 đến ngày 24/10. Để xử lý hậu quả, San Francisco đã chỉ định một số nhân sự điều chỉnh chính sách đối với xe tự hành. Dữ liệu về các sự cố thông qua cuộc gọi 911, bài đăng mạng xã hội và báo cáo thường ngày phải được ghi lại cẩn thận.

Theo Darius Luttropp, một quan chức tại địa phương, đến tháng 6, các sự cố về xe tự hành ở San Francisco đã tăng lên “mức đáng lo ngại”. “Chúng tôi cứ nghĩ công nghệ kỳ diệu này sẽ hoạt động giống như người lái xe. Tuy nhiên, hóa ra không phải như vậy”, ông nói.

Đổi lại, các công ty tự lái đang cố gắng lấy lại hình ảnh. Thay vì thử nghiệm xe trên đường, họ chạy mô phỏng bên trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ, thêm các chướng ngại vật trên đường đi và dùng dữ liệu đó để đưa ra tuyên bố về độ an toàn. Những mô phỏng có thể đúng trong một số trường hợp, song trong thực tế thì không chắc.

Theo: The New York Times, WSJ