Ngay tại Hải Châu - quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng - có một loạt công trình vi phạm, vướng mắc liên quan đến các kết luận, bản án, là những dự án bỏ hoang, xây dựng dang dở khiến bộ mặt đô thị Đà Nẵng nhếch nhác, mất mỹ quan.
Ở phía biển đường Nguyễn Tất Thành là dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước vướng vào vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và các cựu quan chức đang trong tình cảnh bỏ hoang, dân tình kêu ca. Bờ sông Hàn, ngay đối diện và cách Trung tâm hành chính thành phố không xa đập vào mắt là bến du thuyền của Vũ “nhôm”, thành phố tính chuyện thu hồi nhưng vẫn chưa thể thực hiện, nay cũng đã xuống cấp. Hay sân vận động Chi Lăng mang dấu ấn lịch sử cách mạng, thể thao văn hóa của TP vướng đến vụ án Phạm Công Danh nay bỏ hoang, nhếch nhác chờ thi hành án,…
“Những việc còn lại như hiện nay thì đòi hỏi phải vận dụng. Mà trong vận dụng ngoài sự dũng cảm của cán bộ tham mưu ra thì còn cần có sự bảo vệ mới làm được… Thời gian tới, nếu tháo gỡ được các kết luận, bản án thì sẽ tháo gỡ được các nút thắt của TP Đà Nẵng”.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam
Cạnh nhà hát Trưng Vương là 3 dự án bỏ hoang, gồm Đà Nẵng Center (số 8 Phan Chu Trinh), dự án Diamond Squere (số 84 Hùng Vương) và dự án Golden Square (đường Nguyễn Thái Học - Phạm Hồng Thái-Nguyễn Chí Thanh) đã bỏ hoang, dở dang từ hơn 15 năm qua. Liên quan đến 3 dự án này, ông Lê Minh Tường - Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết: “Rất đau xót khi 3 dự án tại 3 khu đất ở trung tâm thành phố này sau nhiều năm vẫn chưa đi vào hoạt động. Có rất nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến các dự án, đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ”.
Ông Tường cho biết thêm, mới đây Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã có báo cáo về xử lý vướng mắc đến 3 dự án này. Trong đó, đối với dự án Đà Nẵng Center (được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 có diện tích 7.878m2), năm 2019, UBND TP Đà Nẵng quyết định thu hồi dự án để thực hiện dự án khu vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên, chi phí đền bù dự toán khoảng 850 tỷ đồng nên đã đề nghị chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, hướng xử lý đối với dự án Đà Nẵng Center vẫn đang chờ xin ý kiến Thường trực Thành ủy cho phép triển khai dự án. Nếu trường hợp Thành ủy không thống nhất, thành phố sẽ giao Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án. Trường hợp Thành ủy thống nhất và nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án thì nhà đầu tư phải liên hệ Sở Xây dựng để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo hướng không còn căn hộ, chung cư và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Trường hợp nhà đầu tư không đồng ý tiếp tục triển khai, thành phố sẽ giao Sở TN&MT tiến hành thủ tục đấu giá tài sản trên đất và đất để triển khai dự án theo đúng mục đích sử dụng đất và quy hoạch mới được duyệt….
Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cũng cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố tại Thông báo số 58 ngày 17/02/2023 liên quan đến Dự án Đà Nẵng Center, Sở đã có công văn gửi Sở Xây dựng, Sở TN&MT về phương án nêu trên. Trong đó, nêu việc Sở TN&MT cung cấp văn bản thu hồi đất của dự án để Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được ý kiến phản hồi của Sở TN&MT.
Cạnh đó là dự án Viễn Đông Meridian được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam vào năm 2007. Năm 2020, dự án được chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV Kinh Bắc-Đà Nẵng. Đến nay, công ty không chứng minh được quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Đối với dự án này, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng đã kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng liên hệ Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng để điều chỉnh quy hoạch Khu D - căn hộ cao cấp gồm 30 tầng nổi để phù hợp với mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ để triển khai đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời giao Sở TN&MT kiểm tra tiến độ đưa đất vào sử dụng để có biện pháp xử lý hành vi chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định.
Như vậy, sau thời gian dài, số phận những dự án lớn trên địa bàn quận trung tâm Đà Nẵng vẫn chưa có lời kết, vẫn phải chờ đợi những quyết sách, hướng xử lý mới. Và còn đó hàng chục dự án lớn khác liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa thể tháo gỡ. Đồng nghĩa, nguồn lực của Đà Nẵng về đất đai vẫn chưa biết bao giờ sẽ được khơi thông.
Thận trọng trong vận dụng để tháo gỡ
Liên quan việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong 2 năm gần đây, thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc. Hiện nay, thành phố đang phải “cõng” 4 bản kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đất đai, tài nguyên, rừng, các khu du lịch… Ngoài ra, còn thêm 3 bản án của tòa đã tuyên. Trong đó, có những vụ việc đã xảy ra cách đây 20 năm được Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2013 và đến bây giờ Đà Nẵng vẫn còn đang thực hiện tháo gỡ.
Ông Nam cho biết, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã được Chính phủ quan tâm, đoàn công tác số 153 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xử lý.
Theo ông Nam, hiện nay, các vấn đề của Đà Nẵng đã chia thành 5 nhóm, gồm: các vướng mắc thành phố chủ động giải quyết; các vướng mắc thuộc thẩm quyền bộ, ban ngành; các vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ; các vướng mắc thuộc thẩm quyền Quốc hội và vướng mắc thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị.
“Từng nhóm vấn đề đã được khu trú ra và kiến nghị kể cả Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các dự án lớn. Vì có những kết luận thành phố mãi vẫn không thể thực hiện được hoặc thực hiện thì vướng mắc nên phải xin tháo gỡ. Đây là việc trong thời gian qua đã làm và cần phải thực hiện trong thời gian tới”, ông Nam cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Đà Nẵng, đã gọi là tháo gỡ khó khăn thì đòi hỏi sự vận dụng. Mà vận dụng thì anh em các sở, ban ngành phải làm cẩn thận, phải luôn thận trọng là đương nhiên. Bởi nếu nói đúng quy định thì chắc chắn thành phố đã không phải đi xin.