Cổ phiếu Vietnam Airlines giảm kịch sàn 2 phiên liên tiếp, điều gì đang diễn ra?

Sau giai đoạn "tăng bốc" đầu tới hơn 170% chỉ trong vòng 3 tháng (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6), áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư tại HVN đã gia tăng đáng kể trong những phiên gần đây.

VN-Index chứng kiến phiên biến động mạnh khi nhiều cổ phiếu đang đang tăng giá bỗng chuyển sang "nằm sàn" trong chốc lát. Trong đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ghi nhận phiên giảm kịch sàn, thậm chí "trắng bên mua" với lượng dư bán giá sàn lên tới gần 2 triệu đơn vị về mức giá 29.100 đồng/cp. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu hàng không này.

Sau giai đoạn "tăng bốc" đầu tới hơn 170% chỉ trong vòng 3 tháng (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6), áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư cũng khá dễ hiểu. Thị giá theo đó nhanh chóng sụt giảm gần 20% kể từ đỉnh ngắn hạn thiết lập mới 2 tuần trước. Vốn hóa thị trường còn lại khoảng 64.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu Vietnam Airlines giảm kịch sàn 2 phiên liên tiếp, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 1.

Cổ phiếu HVN giảm sàn phiên 17/7

Thực tế, Vietnam Airlines hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn còn đang hiện hữu. Đều tiên là về mặt tài chính, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc).

Tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 6/2024, Vietnam Airlines cũng cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.

Không những vậy, Vietnam Airlines vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.

Tuy gặp không ít khó khăn, song nhiều chuyển biến tích cực cũng dần đến với doanh nghiệp hàng không này. Điển hình như số liệu vận tải hành khách và hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024, cụ thể, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 11,3 triệu khách, tăng xấp xỉ 11% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đạt gần 141.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 27,4% so với kế hoạch 2024.

Nhờ vậy, quý đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận khác đạt 3.672 tỷ đồng. Hãng bay báo lãi ròng đạt 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Cổ phiếu Vietnam Airlines giảm kịch sàn 2 phiên liên tiếp, điều gì đang diễn ra?- Ảnh 2.

Trước những tín hiệu tích cực trên, cổ phiếu HVN đã có một cú tăng gây ngỡ ngàng với giới phân tích. Hồi đấu tháng 7 vừa qua, một tờ báo nước ngoài cho biết "lợi nhuận bất ngờ đã đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thế giới, bất chấp nguy cơ phá sản, công ty đã phục hồi sau đại dịch, lấy lại đà tăng trưởng".

Hãng tin này cũng cho biết cổ phiếu HVN đã tăng 179% cho đến nay vào năm 2024, nhờ nhu cầu đi lại phục hồi. Điều đó thúc đẩy công ty công bố lợi nhuận quý đầu tiên bội thu sau hơn bốn năm thua lỗ liên tiếp. Cổ phiếu của hãng hàng không này cũng đang "vượt mặt" đối thủ lớn trong khu vực là Singapore Airlines, khi hãng này chỉ ghi nhận mức tăng 7,8% trong năm nay. Thậm chí, một đối thủ khác của Vietnam Airlines là Air China còn ghi nhận cổ phiếu giảm 3,7%.

"Đây là một sự thay đổi ấn tượng đối với một hãng hàng không cho đến gần đây vẫn có nguy cơ phá sản và có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM", hãng tin này nhận định.