Thị trường biến động bất ngờ, cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam cũng giảm kịch sàn, trắng bên mua trong phiên 17/7. Thị giá chốt phiên dừng ở 18.600 đồng/cp, "bay" gần 15% giá trị chỉ sau chưa đầy 1 tháng. Lực bán gia tăng dồn dập đẩy thanh khoản VOS trong phiên 17/7 lên hơn 12,5 triệu đơn vị, gấp nhiều lần so với khối lượng bình quân gần đây và cũng là mức cao nhất kể từ thời kỳ huy hoàng của cổ phiếu này vào năm 2021.
Nhịp giảm sâu xuất hiện sau khi VOS đã tăng phi mã trên 100% trong hơn 2 tháng qua, cùng pha với nhóm cổ phiếu vận tải biển khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng container leo thang đẩy giá cước vận tải biển lên cao.
Trở lại hiện tại, đà lao dốc của VOS gây bất ngờ bởi doanh nghiệp vừa công bố số liệu BCTC quý 2 đột biến với doanh thu đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 5.300% lên 344 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ hơn 1 tỷ đồng trong cùng kỳ lên 284 tỷ đồng. Kết quả trên cũng giúp lãi trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của VOS đạt hơn 427 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm.
Tuy vậy, nhìn sâu vào kết quả kinh doanh của VOS có thể thấy lợi nhuận của VOS không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo đó, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận khoản lỗ gộp 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 30 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, VOS lỗ từ hoạt động kinh doanh đến gần 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi nhẹ hơn 6 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng đột biến nhờ VOS ghi nhận hơn 393 tỷ đồng lợi nhuận khác nhờ bán tàu Đại Minh. Cụ thể, trong tháng 4/2024, VOS đã đấu giá công khai tàu Đại Minh, với giá khởi điểm 356 tỷ đồng, tiền đặt trước 30 tỷ đồng, địa điểm đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hải Phòng.
Năm 2024, VOS lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu "đi lùi" giảm 28,2% so với mức thực hiện năm 2023, tương ứng đạt 2.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 323 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Với kết quả khả quan trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã vượt xa kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm.
Tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt 3.247 tỷ đồng, tăng hơn 532 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định giảm 26% so với đầu năm ở mức 694 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn là 772 tỷ đồng, tăng 50% so với số đầu năm. Về phía nợ, Vosco không có nợ vay tài chính cho đến cuối quý 2/2024. Vốn chủ sở hữu đạt 2.012 tỷ đồng.
Báo cáo của Chứng khoán An Bình (ABS) cũng nhận định rằng tình hình kinh doanh năm nay của Vosco vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức do tác động từ nhiều yếu tố như nhu cầu sụt giảm, lượng cung tàu tăng kéo theo áp lực cạnh tranh dẫn đến giá cước vận chuyển giảm sâu.
Theo đó, triển vọng năm 2024 cho tàu hàng khô dự kiến sẽ không có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường Trung Quốc cần thời gian để khôi phục lại nhu cầu xuất nhập khẩu các mặt hàng chính như than, quặng, sắt thép,…Ngoài ra nguồn cung ứng ngũ cốc, than, phân bón tại khu vực biển Đen cũng gần như bị ngưng trệ do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
Mảng tàu container cũng được dự báo sẽ chứng kiến cầu vận chuyển suy giảm nghiêm trọng do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát cũng như lãi suất tăng nhanh. Lượng lớn cung tàu mới đưa vào thị trường (700 tàu vào 2023-2024, 150 tàu vào 2025) kết hợp tăng trưởng thương mại chững lại có thể ảnh hưởng đến giá cước vận tải.
Tuy nhiên ABS Research kỳ vọng thị trường tàu dầu/sản phẩm tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 cùng các hoạt động đóng góp cho lợi nhuận của VOS như thu nhập từ thanh lý tàu Đại Minh, dịch vụ hoạt động thương mại,... sẽ giúp KQKD của VOS tiếp tục có lãi. Với nhóm tàu dầu/sản phẩm, năm 2024 tiếp tục được dự báo là năm thuận lợi cho thị trường tàu dầu/sản phẩm với nhu cầu dự kiến tăng trưởng khoảng 6-8% trong khi nguồn cung tàu sụt giảm 0,7%. Giá cước thuê tàu chuyến, tàu định hạn và giá tàu cũ có thể tiếp tục tăng trong năm 2024.