Chuyên gia nói gì về đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày một lần

Bên cạnh những ý kiến đồng tình đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày một lần cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ hơn khi mặt hàng này vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường.

Chuyên gia nói gì về đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày một lần - Ảnh 1.

Còn có ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất của Bộ Công thương về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo bản Dự thảo nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ 5 hàng tuần ngoại trừ trường hợp ngày điều chỉnh giá trùng vào ngày nghỉ lễ và thị trường có biến động bất thường.

Sau khi đề xuất thay đổi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được công bố đã nhận được ý kiến trái chiều. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ cho rằng thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, thì cũng có ý kiến tỏ ra quan ngại về tính hiệu quả thực tiễn của đề xuất.

Ủng hộ quan điểm rút ngắn thời gian điều chỉnh, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, nếu giá xăng được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, găm hàng chờ giá lên. Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu.

“Năng lực của cơ quan quản lý trong thời gian 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến vấn đề hạch toán và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng có ưu điểm sát với giá thị trường. Nếu để thời gian xa quá (như trước kia là 30 ngày) sẽ rất bất cập vì nhiều khi giá thị trường thế giới đang lên, nhưng nếu tính bình quân giá bán trong nước lại giảm hoặc ngược lại, có thể giá thị trường thế giới đang xuống nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay 1 lít xăng dầu có 6-7 Bộ quản lý, do đó, nên xem xét giao cho 1 Bộ chủ trì nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ khác. Bộ chủ trì phải được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính, nếu có biến động bất thường phải báo cáo lên Chính phủ. Cùng với đó, các Bộ, ngành có liên quan phải phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình với Bộ chủ trì trong phối hợp quản lý và điều hành mặt hàng xăng dầu.

“Chỉ khi thị trường xăng dầu nước ta thực sự cạnh tranh như các nước phát triển, thì mới có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ 2-3 ngày một lần, tức là Nhà nước để thị trường tự điều chỉnh. Nhưng chúng ta chưa đạt được như vậy, nên Nhà nước vẫn phải quản lý mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Cũng ủng hộ quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, phương án rút ngắn thời gian giữa 2 kỳ điều hành còn 7 ngày thì giá xăng dầu sẽ lên - xuống sát với diễn biến giá thế giới hơn.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, cũng có quan điểm cho rằng cần xem xét kỹ hơn khi mặt hàng này vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường.

Theo đó, thông tin với báo chí, TS. Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, Nhà nước vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần quản lý, đưa xăng dầu vào nhóm mặt hàng bình ổn giá. Nhà nước vẫn can thiệp để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Do vậy, khi xăng dầu chưa theo vận hành theo cơ chế thị trường thì việc đề xuất điều hành giá mỗi tuần một lần là chưa phù hợp. Bởi xăng dầu là hàng hoá đặc biệt, không phải mua bán như hàng hoá thông thường, mà cần có lượng hàng dự trữ phù hợp với sức chứa của bồn bể để chống hao hụt, giao nhận hàng là phải ngưng bán hàng.

“Việc giảm thời gian điều chỉnh giá khi xăng dầu chưa vận hành theo cơ chế thị trường chắc chắn tác động tiêu cực đến việc giảm quy mô kinh doanh, hao hụt tăng lên, nguy cơ cháy nổ cao hơn, sổ sách kế toán phức tạp hơn… Việc chi phí tăng lên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo theo thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn quốc”, TS Giang Chấn Tây nêu quan điểm.

Được biết, bên cạnh nội dung đề xuất điều chỉnh giá 7 ngày một lần, để kịp thời cập nhật các chi phí trong giá, Dự thảo Nghị định cũng quy định 3 tháng một lần, doanh nghiệp phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) với nguồn mua trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng. Việc này nhằm giúp các cơ quan quản lý thu thập số liệu, phục vụ cập nhật, tính toán giá cơ sở xăng dầu và điều hành giá.

Đồng thời, Dự thảo cũng nêu rõ trước ngày 31/3 hàng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để công bố vào ngày 01/7 hàng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.