Chân dung ông chủ đứng sau sân golf Thanh Lanh Vĩnh Phúc

Nền móng của golf Thanh Lanh

Năm 2020, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Thanh Lanh cho nhà đầu tư là CTCP Nam Tam Đảo.

Theo chủ trương, dự án có quy mô 73,2261 ha với tổng vốn đầu tư 655 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 30,5% tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng, vốn vay chiếm 69,5% với gần 456 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm từ ngày 4/6/2014.

Về tiến độ thực hiện, dự án đi vào hoạt động kinh doanh sau 21 tháng kể từ ngày được quyết định chủ đầu tư.

Theo thông tin trên website, Sân golf Thanh Lanh rộng 73ha đã hoàn thiện và đi vào hoạt động tháng 11/2021, gồm 18 lỗ tiêu chuẩn, là một phần trong dự án khu du lịch sinh thái của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, dự án khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo có tên thương mại là Thanh Lanh Valley Golf & Resort với tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng.

Chân dung ông chủ đứng sau sân golf Thanh Lanh Vĩnh Phúc- Ảnh 1.

Dự án khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.

Thanh Lanh Valley Golf & Resort có quy mô 386 ha bao gồm 3 phân khu chức năng là phân khu K3 là Mặt nước hồ Thanh Lanh rộng 170ha. Hồ Thanh Lanh được xây dựng từ năm 2000, ban đầu phục vụ tưới tiêu và công tác thủy lợi. Hiện tại hồ được khai thác thêm nhằm phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Phân khu K2 là Sân Golf Thanh Lanh và phân khu K1 là phân khu du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng rộng 143ha (bao quanh sân golf và hồ Thanh Lanh).

Về CTCP Nam Tam Đảo, theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty được thành lập tháng 11/2004 có địa chỉ trụ sở chính tại Ban quản lý dự án thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện theo pháp luật của công ty hiện nay là ông Lê Xuân Trường.

Thành viên Lac Hong Investment

Ông Lê Xuân Trường được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Lạc Hồng (Lac Hong Investment). Theo giới thiệu trên trang của Thanh Lanh Valley Golf & Resort, CTCP Nam Tam Đảo là công ty thành viên của Lac Hong Investment.

Chân dung ông chủ đứng sau sân golf Thanh Lanh Vĩnh Phúc- Ảnh 2.

Thông tin trên website của Thanh Lanh Valley Golf&Resort.

Tại diễn biến mới nhất, ngày 12/3 vừa qua, trên trang của Đầu tư Lạc Hồng đã thông tin về lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ CTCP Nam Tam Đảo.

CTCP Đầu tư Lạc Hồng được thành lập ngày 15/9/2003. Trên website công ty, giới thiệu về các dự án, Đầu tư Lạc Hồng là nhà thầu cho nhiều công trình dự án lớn như: Phòng họp chính – Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp, Cung triển lãm Quốc gia, Nhà hát lớn Hà Nội, Trung tâm Thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy bia Hà Nội, Trạm bơm Yên sở, Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra Hà Nội…

Trong vai trò nhà đầu tư, tại Tam Đảo, Lạc Hồng là chủ đầu tư nhiều dự án như Venus Hotel Tam Đảo có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng; Lâu đài Tam Đảo (400 tỷ đồng); Cáp treo Tây Thiên (260 tỷ đồng)...

Chân dung ông chủ đứng sau sân golf Thanh Lanh Vĩnh Phúc- Ảnh 3.

Các dự án do Đầu tư Lạc Hồng đầu tư.

Năm 2015, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) thông báo thoái vốn cổ phần tại Đầu tư Lạc Hồng. Theo đó, công ty này thoái toàn bộ 810.000 cổ phiếu, chiếm 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Đầu tư Lạc Hồng.

Theo giới thiệu tại bản công bố thông tin, Đầu tư Lạc Hồng có vốn điều lệ 81 tỷ đồng. Danh sách cổ đông lớn của công ty tại ngày 31/3/2015 là ông Lê Xuân Trường chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám sở hữu 41,56% vốn điều lệ; Hancorp nắm 10% vốn điều lệ và Ông Trần Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT nắm 10% vốn điều lệ.

Chân dung ông chủ đứng sau sân golf Thanh Lanh Vĩnh Phúc- Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông lớn của Lạc Hồng theo thông báo thoái vốn của Hancorp.

Lợi nhuận nhỏ giọt

Về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2014, Đầu tư Lạc Hồng ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 809 tỷ đồng, tăng 27,3% so với mức doanh thu 635 tỷ đồng năm 2023.

Giá vốn bán hàng của công ty cũng tăng 23,9% lên 747 tỷ đồng nhưng do mức tăng không mạnh bằng doanh thu nên doanh nghiệp vẫn thu về khoản lãi gộp gấp 1,8 lần năm trước lên 67 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính của Đầu tư Lạc Hồng cũng leo mạnh từ gần 695 triệu đồng năm 2013 lên gần 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh 2,4 lần từ 21 tỷ đồng lên gần 52 tỷ đồng công thêm phát sinh về chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn lớn nên kết quả, Đầu tư Lạc Hồng báo lãi sau thuế gần 2,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,06% so với mức lợi nhuận gần 2,6 tỷ đồng trong năm 2013.

Tại thời điểm này 31/12/2014, tổng tài sản của Đầu tư Lạc Hồng là gần 1.863 tỷ đồng, tăng 2,82% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm 16 tỷ đồng so với đầu kỳ xuống 102 tỷ đồng do tiền mặt giảm mạnh từ gần 18 tỷ đồng xuống còn gần 3,7 tỷ đồng.

Theo ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ACA, đơn vị không được tham gia chứng kiến công việc kiểm kê tiền mặt của công ty tại ngày 31/12/2014, các thủ tục kiểm toán thay thế khác không thực hiện được, do đó không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của số dư tiền mặt tồn quỹ tại ngày 31/12/2014 của công ty.

Ngày 10/4/2019, Đầu tư Lạc Hồng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng.