Xuất khẩu rau quả tăng: Kỳ vọng "bật xa" những tháng cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả 7 tháng đạt hơn 3,8 tỷ USD

Các mặt hàng sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 60%. Tiếp theo là Hàn Quốc và Mỹ.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam cả năm nay có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay nhờ nguồn cung dồi dào, nhu cầu tăng.

Đặc biệt một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính; thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa với thị trường Trung Quốc.

Vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam hiện nay ở các tỉnh Tây nguyên sẽ vào mùa thu hoạch rộ trong tháng 9, tháng 10. Năm ngoái đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của Việt Nam do Thái Lan hết hàng.

Xuất khẩu rau quả tăng: Kỳ vọng "bật xa" những tháng cuối năm- Ảnh 1.

Sầu riêng là mặt hàng chủ lực xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay đã cấp 7.558 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.558 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Trao đổi với VTV ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành theo dòi sát các loại cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở Đồng bằng sông Cửu Long để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỉ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP). Đồng thời, rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thị trường thuận lợi, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.

Kỳ vọng xuất khẩu cuối năm

2023 được coi là năm kỷ lục của ngành hàng rau quả khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước.

Theo Hà Nội Mới trước đó, mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra đối với mặt hàng rau quả năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD, đến năm 2025 là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, mục tiêu đề ra đã cán đích với kim ngạch xuất khẩu 5,69 tỷ USD, vượt 2 năm so với kế hoạch của ngành.

Phân tích những thành công này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, chất lượng đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó là sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. Dấu ấn của ngành rau quả trong năm nay phải kể đến sầu riêng, khi năm 2023 thu về 2,3-2,4 tỷ USD. Trong khi đó, từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm.

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, tương đương 6,5-7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ...

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn. Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; phân tích, cập nhật thông tin từ các thị trường để có định hướng sản xuất trong nước phù hợp...

Trúc Chi (t/h)