Trong báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê (khoản 4, điều 80).
Phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn
Thảo luận tại nghị trường, phần lớn các ý kiến phát biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ với phương án này.
Đại biểu (ĐB) Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết tại các diễn đàn đối thoại giữa Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ với công nhân (CN) trên cả nước, đông đảo người lao động (NLĐ) đã nêu đề xuất, nguyện vọng cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở để chăm lo cho CN tốt hơn.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ nên việc quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho CN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quy định mới này sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ.
ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cũng thống nhất với phương án này, bởi đây là điều cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho CN trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông đề nghị tổ chức Công đoàn cần có các giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư, do đây là dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Công đoàn Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện.
Theo ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho CN từ năm 2017 theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hoàn thành việc đầu tư thí điểm khu thiết chế Công đoàn tại KCN tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ cho CN thuê, đạt tỉ lệ lấp đầy 100% và khẳng định được năng lực tổ chức.
"Tất nhiên, cũng có những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Hiện nay, CN rất mong chờ Quốc hội tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, bất cập này để Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn dự án nhà ở xã hội" - bà Dung cho biết.
Công nhân được thuê nhà ở giá rẻ tại khu thiết chế Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng ở Hà Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Người lao động mong chờ
Trước khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại nghị trường ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để trao đổi, thống nhất vấn đề này.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong các vấn đề mà NLĐ quan tâm hàng đầu hiện nay là nhà ở. Nhu cầu nhà ở của CN hiện rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp thì chưa mặn mà xây dựng. Do đó, rất cần thiết phải thiết kế một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn, tham gia xây dựng nhà ở cho CN.
Cùng với đó, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong việc thu hút, tập hợp NLĐ, gắn bó mật thiết với đoàn viên.
Thực tế, trước nhu cầu bức thiết về nhà ở của CN, theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN- KCX" (sau này sửa đổi thành Quyết định 1729/QĐ-TTg, ngày 4-11-2020 của Thủ tướng). Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức triển khai đề án trên ở các địa phương khác nhau. Trong đó, khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam - đóng tại KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên - được thiết kế 5 tòa nhà với 244 căn hộ, đến nay đã cho CN thuê 100%. Ủy ban Pháp luật đã đến đây khảo sát thực tế, chứng kiến điều kiện ăn ở, cuộc sống… của NLĐ. Trong quá trình vận hành, đến nay, khu thiết chế này không phát sinh những vấn đề gì quan trọng.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: "Việc triển khai Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là CN, rất ủng hộ, mong chờ. Đến nay, 36 địa phương đã giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết".
Ưu tiên địa bàn cần kíp, khó khăn
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, định hướng đầu tư của Tổng LĐLĐ Việt Nam là chỉ xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, với một số lượng rất ít. Việc đầu tư được ưu tiên ở những địa bàn cần kíp, khó khăn, có tính chất tượng trưng, vừa tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho CN vừa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp NLĐ. Nguồn vốn được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ Đầu tư của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
"Tham gia xây dựng nhà ở cho CN có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn, từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình" - ông Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận.