Quảng Nam siết chặt thu thuế hàng hoá bán trên TikTok, Shopee

Để tránh thất thu thuế đối với doanh nghiệp, người dân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, TikTok, facebook… Quảng Nam vừa có yêu cầu công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Dễ "luồn lách" vi phạm

Ghi nhận của PV, nằm trong xu hướng cả nước, các sàn thương mại điện tử tại Quảng Nam cũng phát triể, hoạt động sôi nổi.

Mới đây, sàn thương mại điện tử sâm Ngọc Linh được UBND huyện Nam Trà My đưa vào hoạt động gần 4 tháng, đã có rất nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm như Công ty TNHH Sâm Ngọc Linh Nàng Thùy, Công ty cổ phần Lâm dược Ngọc Linh, Hộ kinh doanh Nhật Linh, Hộ kinh doanh Tư Dự…

Sàn Thương mại điện tử sâm Ngọc Linh.

Sàn Thương mại điện tử sâm Ngọc Linh.

Để tham gia sàn điện tử này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có cam kết về độ chính xác thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cung cấp đến khách hàng.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, sàn điện tử này là nơi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là nơi quản lý của Nhà nước, tạo địa chỉ buôn bán chính thống cho người dân, địa chỉ uy tín cho khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ hợp tác xã phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân, huyện Đại Lộc, nguồn thu từ thương mại điện tử chiếm khoảng 65% tổng cơ cấu doanh thu của hợp tác xã. Nhờ vào các sàn thương mại điện tử mà thị trường hàng hóa được mở rộng, doanh nghiệp tiếp cận đến khách hàng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay, số lượng "tiểu thương nhỏ", tự phát chọn các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok, facebook… rất nhiều. Bên cạnh việc đăng tải bán hàng, các chủ cửa hàng này còn thực hiện livestresam bán hàng.

Chị Nguyễn Thị Hương, thị xã Điện Bàn, cho hay: "Để tăng thu nhập, tôi đăng tải hàng gia dụng lên facebook để bán. Nhiều bạn bè trên facebook, dù không quen, sau thời gian dài mua hàng, bây giờ, họ trở thành khách hàng thân thiết".

"Mỗi món hàng bán được, tôi lời khoảng 10 nghìn đồng so với khi lấy ở kho sỉ. Tuy nhiên, tôi trực tiếp ship hàng đến cho người mua nếu gần. Việc mua bán này xem như lấy công làm lời", chị Hương nói.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, tạo "thế giới phẳng" cho việc bán - mua, kinh doanh trên mạng xã hội cũng có hạn chế, tồn tại và diễn biến khó kiểm soát.

Mới đây, hôm 13/6, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, kiểm tra hộ kinh doanh P.T.T, trú tại huyện Thăng Bình. Theo đó, chủ hộ kinh doanh đã sử dụng facebook cá nhân với 382 lượt theo dõi thực hiện bán hàng mỹ phẩm nhập lậu. Kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng xử phạt 3 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính hơn 4 triệu đồng.

Đến ngày 14/6, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp cùng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Thăng Bình và công an xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Mai Thương si tuyển, có địa chỉ tại địa phương.

Cụ thể, Facebook này có 98 nghìn lượt theo dõi do ông B.V.T quản lý. Với hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng số tiền gần 26,7 triệu đồng. Vụ việc được chuyển Cục quản lý thị trường xử phạt 22 triệu đồng và buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa vi phạm.

Chung tay quản lý thuế thương mại điện tử

Liên quan vấn đề này, ngày 25/7, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Cục thuế tỉnh thực hiện rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành thuế, các website thương mại điện tử bán hàng trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của bộ Công thương, sở Công thương, các đơn vị liên quan để phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam kiểm tra một đơn vị kinh doanh vi phạm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam kiểm tra một đơn vị kinh doanh vi phạm.

Cục Thuế cần đề nghị các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, công ty bưu chính, chuyển phát nhanh, đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng thu tiền hộ (hình thức COD) thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế về thương mại điện tử.

Ngành thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định...

Trong khi đó, công an tỉnh cần phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử để cơ quan Thuế quản lý thuế theo quy định.

Công an tiếp nhận, xử lý theo quy định các thông tin do cơ quan Thuế cung cấp đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, có hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cơ quan Thuế và các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra thực tế tại địa điểm kho, bãi, địa điểm livestream bán hàng nhằm xác định khối lượng hàng hóa, mặt hàng kinh doanh, số thuế phải kê khai, nộp ngân sách nhà nước. Cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không có địa điểm kinh doanh cố định; các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử vi phạm về đăng ký kinh doanh được phát hiện trong quá trình theo dõi, quản lý.

"Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, phối hợp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trên địa bàn trong việc kết nối, cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Đơn vị này có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có giao dịch nhận tiền từ các nhà cung cấp nước ngoài như: Apple store, Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Netflix, iQIYI, Instagram, Tik Tok, Agoda, Booking, Airbnb...  khi có phát sinh thanh toán tiền. Cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp", ông Hưng yêu cầu. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn có 98% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, hơn 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử và tận dụng các mạng xã hội cập nhật thường xuyên thông tin, quản bá sản phẩm…